Làm “ôsin” ở xứ Đài

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:01, 22/11/2011

(HNM) - Ở một nơi xa lạ, không người thân quen, khác phong tục, tập quán, khác cả ngôn ngữ giao tiếp, cuộc sống nơi xứ Đài (Đài Loan - Trung Quốc) của những lao động Việt Nam trong các gia đình ở đây, nhiều người may mắn nhưng cũng không ít cảnh khó khăn.

Nuôi hy vọng

Trong cộng đồng người Việt ở xứ Đài, cho dù đến đây theo nhiều đường khác nhau như du học, lấy chồng hay xuất khẩu lao động, nhưng có điểm chung cũng vì mục đích: kiếm tiền giúp gia đình ở quê nhà. Bởi vậy, hầu hết người sang đây giúp việc gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn.

Từ trái sang phải: Các chị Nhân - Ngọc - Minh với gương mặt vẫn rạng ngời dù cuộc sống khó khăn (ảnh chụp tại Công viên Daan).


Chị Trần Thị Minh, 52 tuổi, quê ở Thuận Thành, Bắc Ninh, đang giúp việc cho một gia đình ở thành phố Đài Trung, cho biết: Sang đây được gần 8 năm, đã dần quen với cuộc sống nhưng để trụ được quãng thời gian như vậy là một thử thách lớn. Hồi mới sang buồn lắm nhưng nghĩ đến cuộc sống nơi quê nhà lại phải cố gắng từng ngày.

Chị kể, hai vợ chồng vốn là công nhân ở công trình thủy điện Hòa Bình từ năm 1976. Năm 1992, công việc không còn nhiều nên cả hai quyết định nghỉ theo chế độ 176. Nhưng rồi cuộc sống nhà nông khó khăn làm chỉ đủ ăn, đến năm 2003, con gái lớn thi đại học, con gái thứ hai vào cấp 3, anh chị mới lo. Hồi đó, phong trào đi lao động, giúp việc ở Đài Loan rộ lên trong xã. Nghĩ đi, nghĩ lại, chồng chị mới quyết định để chị đi. Đi để lo cho con cái trưởng thành. Vay mượn mãi mới được 20 triệu đồng đủ nộp cho công ty môi giới, chị sang được xứ Đài.

- Đặt chân đến đây, tiếng thì bập bõm, phong tục, tập quán không biết, không một người thân quen, mình hẫng kinh khủng. Nhưng nghĩ đến gánh nặng ở phía sau, nghĩ đến tương lai các con mình, vậy là dấn bước - chị phân trần.

Khác với hoàn cảnh chị Minh, Nguyễn Thị Nguyên, 34 tuổi, ở Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội, đến giúp việc gia đình ở thành phố Đài Bắc thì lại không chủ ý. Hai vợ chồng bằng tuổi, vợ làm ruộng, chồng đi xây. Tất bật là vậy nhưng cũng không lo đủ cuộc sống cho gia đình với hai đứa con (một gái, một trai). Bàn bạc với nhau, rồi chồng Nguyên quyết định nộp đơn đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Nhưng hai lần đều trượt ở vòng phỏng vấn. Nợ chồng lên nợ.

Nguyên tâm sự: Cuộc sống gia đình lúc đó khó khăn lắm. Nợ thì không biết trả ra sao mà việc làm của chồng thì không có. Đánh liều, em bàn với chồng, vay tiền tiếp để em đi lao động ở Đài Loan. Lúc ấy chồng em gàn lại và nói: "Lao động bên ngoài vất vả, anh phải gánh vác, em lo chăm con ở nhà". Nhưng lúc ấy, chồng mình làm gì còn lựa chọn. Chỉ còn hy vọng ở vợ. May mắn, em qua phỏng vấn, tuyển sang giúp việc gia đình ở Đài Bắc. Tất cả thủ tục mất hơn 4.000 USD. Ở xã Nam Sơn, đợt năm 2008, em là người đầu tiên xuất khẩu lao động sang hòn đảo này. Chấp nhận đi cũng vì cuộc sống, vì tương lai của các cháu. Em đi được năm rưỡi thì chồng em cũng sang Hàn Quốc lao động. Giờ hai đứa nhỏ đều gửi về nhà chú em chăm sóc, nuôi ăn học.

Đến thực tế khó khăn

Ai cũng nghĩ, đi ra nước ngoài lao động là sướng khi có được thu nhập cao, ổn định, được học hỏi nhiều hơn về kinh nghiệm của các nước tiên tiến. Nhưng có ở vào hoàn cảnh ấy, trải nghiệm cuộc sống ấy mới thấy, những người giúp việc gia đình (hay vẫn gọi là ôsin) đã đánh đổi rất nhiều.

Nói về khó khăn trong thời gian ở đất khách, chị Lê Thị Ngọc, 42 tuổi, quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa, ở Đài Loan được gần 8 năm, tâm sự: Thực tế, trong hợp đồng giữa mình ký với công ty là sang đây chỉ chăm sóc cụ già với mức lương là 17.700 đài tệ/tháng, trừ chi phí môi giới, bảo hiểm y tế… thực lĩnh gần 14.000 đài tệ/tháng (khoảng gần 10 triệu đồng). Ký hợp đồng là vậy, sang đây, gia đình nhà chủ thuê mình, họ cũng tận dụng luôn mình trong cả công việc gia đình.

- Sao không thắc mắc? - tôi hỏi.

- Em tính, "chạy" sang đây mất 3.000USD - chị Ngọc giãi bày - cái nợ vẫn đeo đẳng ở quê, có việc là mừng, mình thắc mắc, công ty môi giới sẽ tìm việc mới cho, nhưng mất thời gian, với lại biết có tốt hơn hay không. So với chị em khác cùng cảnh ở đây, mình còn may mắn hơn nhiều.

Rồi chị kể về hoàn cảnh của một người bạn, sang Đài Loan làm ở viện dưỡng lão, một mình chăm sóc 8, 9 cụ già. Công việc vất vả, làm hai tháng không chịu được xin công ty môi giới đổi việc. Sau được đổi về giúp việc chăm sóc bà cụ 85 tuổi. Một mình trong gia đình 4 thế hệ, xa lạ về ngôn ngữ, nhưng khi vào gia đình họ sống cũng phải theo lối sinh hoạt của nhà chủ. Bà cụ ăn chay, nên bạn chị Ngọc cũng phải ăn chay theo. Công việc chỉ là những việc gia đình không tên nhưng phải dậy từ 6 giờ sáng, làm đến 9, 10 giờ tối. Đêm ngủ nhưng hễ bà cụ dậy đi vệ sinh là người giúp việc cũng phải dậy theo. Ăn không đủ chất, ngủ không ngon, giờ bạn chị Ngọc đã bỏ trốn, lao động không có giấy tờ ở bên ngoài.

Cùng với tâm sự này, chị Lê Thị Nhân, 50 tuổi, ở Kinh Môn, Hải Dương, đang trông cụ già 90 tuổi ở thành phố Đài Bắc bảo: Áp lực chủ - tớ nặng nề lắm. Nhiều lao động người Philippines không chịu được cường độ công việc đã "khăn gói" về nước. Mình mới đầu cũng vậy, căng thẳng lắm. Rõ ràng là ký hợp đồng với công ty chỉ chăm sóc cụ già, nhưng sang đây, lo luôn cả công việc gia đình. Thậm chí, những ngày cuối tuần phải phục vụ tiệc liên hoan cho bạn bè của gia đình chủ nữa. Mệt nhoài. Mình phải nín nhịn nhiều mới trụ được gần 8 năm ở đây đấy.

Chị bảo, 8 năm rồi mới về Việt Nam được 3 lần. Nhiều lúc nhớ nhà lắm. Chăm cụ ông 90 tuổi, những lúc ông ấy ốm đau, mình chăm từng tí một. Lúc ấy lại nhớ đến bố mẹ nơi quê nhà cũng gần tuổi ông cụ đây. Khi ốm đau các cụ ở nhà không có bàn tay mình chăm sóc, nghĩ cũng buồn. Cũng vì cuộc sống nên mới phải ra đi như vậy…

Vẫn ánh lên những niềm vui

Gặp các chị "ôsin" Việt ở Daan, công viên lớn nhất ở thành phố Đài Bắc, tôi vẫn thấy ở đó nhiều nụ cười. Công viên như điểm hẹn để chiều chiều khi đưa những người già mình chăm sóc đi dạo, các chị lại có dịp trò chuyện, trao đổi với nhau về công việc hằng ngày. Điều mệt mỏi của cuộc sống thường nhật lại được san sẻ, động viên nhau trong tình cảm quê hương.

Hướng về phía chị Minh, chị Nhân bảo, bà ấy giờ sướng rồi. Chỉ còn hơn một năm nữa là hết hạn hợp đồng. Sang đây làm đã lo đủ cho gia đình ở nhà. Hai cô con gái, bây giờ, một cô tốt nghiệp đại học, lấy chồng và đang làm ở Hà Nội. Con gái thứ hai đang là sinh viên Đại học Ngoại ngữ, vừa học vừa đi làm thêm phiên dịch cho Công ty Ô tô Nissan.

Xen ngang câu chuyện, chị Ngọc bảo, hai bà ấy đều tài cả. Cũng nhờ đi làm mà chị Nhân đã tích góp gửi tiền về mua đất được ở quê đó.

Nguyễn Thị Nguyên khoe, đợt tới em được về phép thăm cháu. Hai vợ chồng giờ đã trả hết nợ, mỗi tháng, vợ tiết kiệm được hơn 400 USD, còn chồng hơn 800 USD, mừng lắm.

Chiều tà, bóng các chị đổ dài xuống nền đường khi đẩy xe các cụ già rời công viên. Những con người tảo tần, chấp nhận khó khăn, vất vả để lo cho cuộc sống, cho thế hệ tương lai nơi quê nhà.

Phương Nhi