Liệu có hợp lý?
Đời sống - Ngày đăng : 07:13, 21/11/2011
Có người cho rằng, biện pháp trên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng, nhất là khi lệ phí trước bạ ô tô tại Hà Nội đã ở mức 12%, cao nhất cả nước. Báo Hànộimới xin ghi lại một số ý kiến xung quanh vấn đề này.
Ông Phạm Bá Long (phố Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân):
Phí chồng lên phí
Thuế nhập khẩu xe ô tô dưới 10 chỗ vào khu vực ASEAN là 83%, cộng thuế giá trị gia tăng 10%, giờ đây phí trước bạ 20%, tổng cộng giá trị một chiếc xe ô tô đưa vào lưu thông ở Hà Nội lên tới gần 300%. Vì tăng lệ phí trước bạ lên 20% thì tăng theo giá trị của xe trước khi nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng cũng vậy. Tôi cho rằng, việc tăng phí trước bạ với mục đích giảm lượng xe cá nhân lưu thông trên đường chẳng khác nào tăng giá gạo để bớt số người ăn cơm. Thực tế, lệ phí trước bạ có tăng thế hay tăng nữa, thì số người có điều kiện mua xe, có nhu cầu thực sự họ vẫn cứ mua, đường tắc vẫn hoàn tắc. Người ít tiền hơn thì cân nhắc mua xe rẻ hơn, chứ không thể không mua. Giống như giá gạo tăng, người ta vẫn phải ăn cơm, vì đó là nhu cầu thiết yếu. Tăng phí trước bạ không hạn chế được phương tiện cá nhân, mà chỉ làm cho giá ô tô ở Việt Nam tăng thêm, trong khi so với nhiều nước giá ô tô ở Việt Nam đã quá cao.
Nâng mức lệ phí trước bạ ô tô dưới 10 chỗ ngồi cũng chỉ là giải pháp tình thế. Ảnh: Khánh Nguyên |
Bà Nguyễn Mai Chi (khu tập thể Z179, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì):
Vẫn còn nhiều kẽ hở
Lệ phí trước bạ ô tô ở Hà Nội và Quảng Ninh hiện là 12%, trong khi ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác chỉ là 10%. Nay Bộ Công thương lại kiến nghị Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nâng lệ phí trước bạ lên mức cao nhất là 20%, thật không công bằng. Chúng tôi ở ngoại thành, nhiều người làm việc và sinh sống tại các vùng quá xa trung tâm như: Ba Vì, Sóc Sơn hay Phú Xuyên, không phải là "thủ phạm" làm tắc đường, thì tại sao vẫn phải đóng cùng mức lệ phí cao như vậy. Và nếu Hà Nội áp dụng mức "kịch trần", những người mua được ô tô, nhưng ít tiền sẽ nhờ anh em, họ hàng ở các tỉnh khác đăng ký hộ, rồi mang về Hà Nội tham gia giao thông, liệu biện pháp này có hạn chế được phương tiện cá nhân hay không? Nếu coi việc tăng phí trước bạ ô tô là một giải pháp để giải quyết tình trạng ùn tắc tại Hà Nội, thì cũng cần cân nhắc để hài hòa lợi ích của người dân với các chính sách khác. Việc phát triển ô tô cá nhân là một dấu hiệu của sự tiến bộ xã hội, nay ở đường phố Thủ đô mà toàn thấy xe đạp, xe máy hay ô tô cũ thì thử hỏi Thủ đô ta văn minh, hiện đại với ai?
Bà Trương Phương Liên (Nhà xuất bản Bản đồ):
Vận tải công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân
Nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông triền miên tại hai thành phố lớn là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi tập trung mật độ giao thông cao nhất cả nước, người dân có thể đồng tình, ủng hộ với đề xuất của các bộ, ngành về việc tăng phí trước bạ ô tô dưới 10 chỗ ngồi lên đến mức 20%. Tuy nhiên, cùng với việc hạn chế loại phương tiện cá nhân này, người dân cũng muốn được biết việc đi lại của mình trên các phương tiện vận tải công cộng như thế nào, chất lượng phương tiện và chất lượng phục vụ có được cải thiện hơn? Hay vẫn diễn ra tình trạng xe buýt bỏ bến, bỏ khách, thái độ của lái phụ xe chưa văn minh, lịch sự, người già, trẻ nhỏ ít được ưu tiên… Xe taxi phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách và sẵn sàng từ chối những "cuốc xe" có quãng đường ngắn.
Ông Nguyễn Khánh Toàn (Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam):
Chỉ là giải pháp tình thế
Chắc chắn việc tăng lệ phí trước bạ ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi lên đến mức 20% sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp taxi nói riêng và doanh nghiệp vận tải hành khách nói chung. Chi phí đầu vào tăng sẽ kéo theo giá cước tăng và không ai khác chính hành khách sẽ phải thanh toán giá cao. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ùn tắc và tai nạn giao thông hiện nay trở thành vấn nạn nhức nhối, thì việc hạn chế gia tăng phương tiện cá nhân là một chủ trương hợp lý. Đây chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, về lâu dài, rất cần có quy hoạch đô thị, với việc phân bố dân cư phù hợp.