Cáo buộc gây tranh cãi

Hồ sơ - Ngày đăng : 07:04, 21/11/2011

(HNM) - Chưa đầy 24 tiếng sau khi Tòa án Tối cao Philippines tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm ra nước ngoài (15-11), của Chính phủ với cựu Tổng thống Gloria Arroyo, người phụ nữ một thời quyền lực nhất quốc gia Đông Nam Á này đã bị chặn lại khi chuẩn bị lên máy bay ở phi trường quốc tế Ninoy Aquino tại thủ đô Manila.


"Sự cố" xảy ra khi bà Gloria Arroyo chuẩn bị sang Singapore để điều trị bệnh liên quan đến xương được chẩn đoán đầu năm nay. Bà đã có ba ca phẫu thuật xương sống bất thành ở Philippines. Mặc dù được đưa tới sân bay bằng xe cấp cứu, được chuyển đến cửa ra máy bay bằng xe lăn với chiếc cổ phải mang nẹp cố định nhưng Chính phủ Philippines vẫn buộc bà G.Arroyo phải ở lại đất nước để phục vụ cuộc điều tra đang diễn ra về tham nhũng và hối lộ.

Bà Gloria Arroyo tới sân bay Manila ngày 15/11 nhưng không được phép xuất cảnh.

Quyết định của Chính phủ Philippines sau lệnh của Tòa án Tối cao đang gây phản ứng trái chiều tại nước này. Có ý kiến cho rằng, sự kiện Tòa án Tối cao dỡ bỏ lệnh cấm ra nước ngoài của chính phủ với bà G.Arroyo là cú đánh mới nhất vào chiến dịch công khai của Tổng thống Benigno Aquino cáo buộc người tiền nhiệm tội tham nhũng và gian lận trong cuộc bầu cử năm 2007. Bộ trưởng Tư pháp Phillipines Leila de Lima nhận định tình hình sức khỏe của bà G.Arroyo không đến mức nguy hiểm và cho rằng bà G.Arroyo có ý định bỏ trốn ra nước ngoài.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát chính trị lo ngại vụ ngăn chặn bà G.Arroyo rời đất nước để chữa bệnh của chính phủ là chống lệnh của Tòa án Tối cao và có thể sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng về Hiến pháp. Không đồng ý với hành động của chính phủ, phát ngôn viên của Tòa án Tối cao Philippines Midas Marquez cảnh báo, chính phủ đang chống lại lệnh của cơ quan hành pháp tối cao của đất nước. "Lệnh đã được tuyên bố rõ ràng rằng nó sẽ có hiệu lực ngay lập tức và sẽ tiếp tục có hiệu lực đến khi có các lệnh tiếp theo do Tòa án Tối cao đưa ra. Những ai không thi hành lệnh của Tòa sẽ có thể bị buộc tội không tuân lệnh và có thể bị phạt tù tới 6 tháng" - ông Midas Marquez nhấn mạnh.

Bà G.Arroyo sinh ngày 5-4-1947, là Tổng thống thứ 14 của Philippines. Bà là nữ chính khách thứ hai trở thành nguyên thủ quốc gia (sau Tổng thống Corazon Aquino) của đảo quốc này. Bà G.Arroyo giữ chức Tổng thống từ năm 2001 đến 2010. Khi còn tại vị, bà từng đối mặt với các cáo buộc tham nhũng và gian lận phiếu bầu nhưng vẫn qua được nhiều lần luận tội nhờ sự ủng hộ của các đồng minh trong Quốc hội.

Theo cáo buộc mới nhất của chính phủ đương nhiệm, bà G.Arroyo đã sử dụng cảnh sát để gian lận trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2004. Chính phủ đang kiểm chứng lời khai của một sĩ quan cảnh sát cấp cao liên quan đến một vụ đột nhập Quốc hội hồi năm 2005 để xem các tài liệu bầu cử lúc đó được lưu trữ tại Quốc hội có bị làm sai lệch hay không. Trong cuộc điều tra này, cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Cito Lorenzo cũng được yêu cầu ra làm chứng, bởi năm 2004 khi còn đương chức, ông này đã dùng 728 triệu peso (gần 16 triệu USD) để vận động tranh cử cho bà G.Arroyo. Số tiền này lẽ ra phải được sử dụng để mua phân bón cung cấp cho nông dân nghèo...

Ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 6-2010, Tổng thống B.Aquino cam kết sẽ giải quyết triệt để nạn tham nhũng đang tác động xấu đến quốc gia Đông Nam Á này. Một trong những hành động đầu tiên của ông là chỉ định một thẩm phán về hưu của Tòa án tối cao đứng đầu một "ủy ban sự thật" nhằm điều tra những cáo buộc tham nhũng với bà G.Arroyo. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Philippine lại cho rằng việc điều tra cựu Tổng thống G.Arroyo là vi phạm Hiến pháp; nhưng, Tổng thống B.Aquino vẫn quyết đưa bà G.Arroyo ra tòa.

Đình Hiệp