Cẩn thận với dao hai lưỡi

Xã hội - Ngày đăng : 06:36, 21/11/2011

(HNM) - Kể từ khi mạng xã hội đầu tiên Classmate xuất hiện năm 1995 đến nay, các mạng xã hội không ngừng bành trướng lãnh thổ của mình. Điển hình là Facebook, ra đời năm 2004, đến nay đã có số thành viên lên tới hơn 500 triệu người.


TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội và Truyền thông đại chúng, Viện Xã hội học cho biết, ngày nay, mạng xã hội không đơn thuần là một phương tiện thông tin liên lạc thuần túy, mà đã trở thành công cụ hữu hiệu để các cá nhân tạo mối liên kết trên phạm vi toàn thế giới. Chính vì vậy, nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Mạng xã hội đã khiến giới trẻ thay đổi cách thức giao tiếp với bên ngoài. Thay vì gặp gỡ, tham gia sinh hoạt nhóm, câu lạc bộ, thì giờ đây họ chỉ cần ngồi tại chỗ, gõ vài dòng ký tự biểu lộ cảm xúc và chờ đợi bạn bè gửi bình luận. Và chính cách giao tiếp này là nguyên nhân khiến các em dần dần trở nên thiếu kỹ năng sống.


Mạng xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ tới giới trẻ. Ảnh: Nguyên An

Mạng xã hội khiến giới trẻ mất tập trung nghiêm trọng. Quan sát cho thấy hầu hết thanh, thiếu niên dừng công việc đang làm khi nhận được tin nhắn trên mạng xã hội. Nhiều học sinh, sinh viên có thói quen vừa nghe giảng vừa vào mạng kiểm tra, bình luận tin nhắn của bạn bè. Rất nhiều bạn trẻ đã thừa nhận rằng mạng xã hội là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với họ hiện nay và họ có thể ngồi trước máy tính thâu đêm suốt sáng. Trên thực tế, giới trẻ có thể vào mạng bằng nhiều công cụ như máy tính, điện thoại… nên có thể tham gia những cuộc giao lưu trong thế giới ảo vào bất cứ lúc nào trong ngày. Sự giao tiếp qua mạng lấy đi của giới trẻ rất nhiều thời gian. Tính trung bình, mỗi lần thanh, thiếu niên vào mạng chừng 30-60 phút, ngày vài lần như thế là đã mất vài giờ, đương nhiên ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng học tập. Bên cạnh đó, việc sử dụng mạng xã hội còn gây nên những hệ lụy không đáng có khác. Qua những cuộc khảo sát nhỏ của chúng tôi, có tới một nửa số người được hỏi khẳng định họ đã công bố chi tiết thông tin cá nhân trên các mạng xã hội và thường xuyên mở rộng thành viên giao kết ngay cả với những người lạ. Việc công bố thông tin trên các mạng xã hội có thể khiến giới trẻ phải đối mặt với nguy cơ bị ăn cắp thông tin cá nhân và trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo trực tuyến.

Có thể ảnh hưởng đến nhân cách

Vào mạng xã hội thường xuyên cũng ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách ở trẻ em. Cụ thể, ban ngày ở trường, học sinh, sinh viên phải vào mạng trộm, không nghe giảng được; buổi trưa vào mạng thì không có thời gian nghỉ ngơi; buổi tối về nhà đóng cửa phòng, vào mạng vài giờ nên thức rất khuya, sáng hôm sau uể oải, ngủ gật trong lớp. Kết quả là khi cô giáo hỏi bài, không trả lời được. Bị các bạn chê bai, thanh, thiếu niên lại vào mạng để thanh minh, tường thuật sai sự thật để biện hộ cho mình, dẫn đến nói dối. Đấy là chưa kể việc thanh, thiếu niên đăng nhập vào mạng xã hội thường xuyên rất dễ dẫn đến suy nghĩ tự yêu mình, quá chú ý đến bản thân.

TS Bùi Quang Huy, Viện 103 cho biết, tác hại mà các mạng xã hội đem lại là khiến não của trẻ chậm phát triển, đồng thời ảnh hưởng đến tính cách, khiến trẻ trở nên lầm lì, ít giao tiếp và dễ bị trầm cảm hay hoang tưởng. Em Trần Bích Ngọc, 14 tuổi, bị bệnh trầm cảm từ nửa năm nay cho biết, trước đây, mỗi ngày em ghé qua Facebook không dưới 10 lần. Buổi sáng dậy, việc đầu tiên của em là vào mạng xã hội, buổi tối trước khi lên giường cũng phải vào mạng ngó nghiêng lần chót rồi mới yên tâm đi ngủ. Một ngày mà không vào mạng là em thấy trong người nôn nao khó chịu.

Các bác sĩ và chuyên gia tâm thần học tại nhiều bệnh viện trên thế giới đã đưa ra cảnh báo, rằng lạm dụng mạng xã hội sẽ làm gia tăng các trường hợp mắc chứng suy nhược, stress và trẻ em hiện là đối tượng đứng trước nguy cơ mắc nhiều dạng khủng hoảng tâm lý nguy hiểm do tiếp xúc với mạng xã hội nhất. Các chuyên gia phân tích, ban đầu, việc gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người trên mạng, chia sẻ thông tin, "thực hành cuộc sống" có thể giúp trẻ cảm thấy thoải mái. Song, nếu lạm dụng sự giao tiếp qua mạng xã hội, trẻ sẽ dần bị rơi vào trạng thái ảo của cuộc sống trên mạng và điều đó có thể khiến trẻ bị tổn thương, thậm chí dẫn tới suy sụp khi tiếp xúc với cuộc sống thực tế.

Mạng xã hội mang lại rất nhiều kiến thức có giá trị nếu biết dùng đúng cách với liều lượng vừa đủ. Nhưng, nếu lạm dụng thái quá và không đúng mục đích, nó có thể gây ra nhiều hệ lụy. Làm thế nào để khai thác mặt tích cực và hạn chế tối đa mặt tiêu cực của mạng xã hội vẫn là một câu hỏi mở, tùy thuộc vào trình độ nhận thức, nền tảng đạo đức, lối sống… của mỗi cá nhân trong xã hội.

Lâm Vũ