Gồng mình trong triều cường

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:29, 21/11/2011

(HNM) - Mưa ngập, nắng cũng… ngập. Nhiều gia đình luôn sẵn sàng bao cát phòng khi nước tràn vào nhà. Nhiều nơi trong nội thành chưa từng biết đến ngập, giờ cũng đang đánh vật với nước. Đây là hệ quả của những đợt triều cường lớn ở TP Hồ Chí Minh thời gian gần đây, làm xáo trộn cuộc sống của không ít người.

Ngập riết rồi cũng quen!

Không rõ từ bao giờ, người dân sống ven sông Sài Gòn và các kênh rạch phụ lưu như nằm lòng câu "Mười bảy nước nhảy khỏi bờ" bởi đây thường là thời điểm triều cường đạt đỉnh. Năm nay, thời điểm cuối tháng 10, đỉnh triều đạt 1,56m, cao nhất trong 50 năm trở lại đây, nên tình trạng ngập lụt diễn biến phức tạp hơn rất nhiều.

Triều cường biến nhiều tuyến đường thành sông.

17h ngày 11-11 (tức ngày 16-10 âm lịch), cơn mưa xối xả kèm triều cường lên đỉnh 1,43m làm cho hai tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Xuân Ôn (quận Bình Thạnh) chìm trong nước. Nước triều theo đường cống thoát như từ dưới đất chui lên, hòa cùng nước mưa đổ xuống khiến nhiều điểm ngập sâu từ 0,6-0,8m. Đều đặn ngày hai lần, suốt dọc từ chợ Bà Chiểu qua Nhà thờ Gia Định đến phía cuối hai tuyến đường trên mênh mang nước. Hôm sau, tình cảnh trên vẫn tái diễn nhưng ở mức thấp hơn…

Nhìn con nước gần ngấp nghé hiên nhà, bà Đỗ Thị Năm (số 56 Nguyễn Xuân Ôn, quận Bình Thạnh) nói với con cháu: "Tụi bay hôm nay không phải lo dọn nhà rồi, nước triều bắt đầu xuống"… Rồi bà quay sang than phiền với chúng tôi: "Năm người nhà tôi hôm qua (tức ngày 11-11) phải lau dọn nhà cật lực từ 5h chiều tới 10h đêm mới xong. Người lo múc nước đổ ra cống, người lo kê đồ, người lau sàn nhà mà không xuể. Con cháu có đứa đi làm về phải đứng ngoài cửa cả giờ vì nếu mở cửa nước sẽ ập vào. Ai kêu mua hàng cũng không dám bán. Vài tháng nay, tình cảnh trên xảy ra liên tục. Nhà ít người không đủ sức ngăn nước tràn vào, có khi phải khóa cửa lại đi tránh ở nhà người quen để chờ nước rút… Gần 40 năm sống tại đây nhưng mấy năm nay ngập ngày càng nặng hơn. Có điều ngập riết rồi cũng quen".

Chỉ tay vào chiếc tủ bong tróc, những đồ dùng như: máy giặt, tủ lạnh… dù đã được "gia cố" thêm bằng kệ sắt cao 30-40cm, bà Thái Thị Thanh Thu (tổ phó tổ dân phố 7, phường 2, quận Bình Thạnh) cho biết, triều cường kèm mưa ngày 11-11 nước tràn vào nhà hầu hết 34 hộ dân ở đây. Suốt hai bên đường Nguyễn Xuân Ôn, đâu đâu cũng thấy bao cát chặn trước nhà. Gia đình nào cũng phải xây ở tầng 1 một khu vực rộng vài mét vuông cao hơn cốt nền để lấy chỗ kê đồ khi ngập. Triều cường lên đúng giờ trẻ em tan lớp, chứng kiến cảnh chúng lội bì bõm trong nước bẩn về nhà trông thật tội.

Chiều ngày 12-11, ở một "điểm đen" khác là đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), dù triều cường không ở mức cao nhất nhưng từ phía gầm cầu Phú Mỹ đến cầu Phú Xuân 2 nhiều đoạn nước ngập trắng, kéo dài hàng trăm mét. Đặc biệt, nước triều dâng khiến đường Phú Thuận (phường Phú Thuận) vốn nhiều ổ gà trở thành một bãi sình lầy. Nhiều người muốn vào các khu dân cư quanh đó đành bất lực khi nhìn cảnh không ít ô tô, xe máy ngâm nước vì chết máy. Đội ngũ sửa xe máy lưu động được dịp "chặt chém". Công việc thổi bugi, đẩy xe... khá đắt khách, bất kỳ ai rơi vào hoàn cảnh này đều chấp nhận bị "chém".

Anh Hai Quy, một người bán trái cây dạo nói: "Có ngày, đường Huỳnh Tấn Phát ngập sâu tới 40-50cm. Cao điểm của mùa nước triều kéo dài từ tháng 9 tới tháng 11 âm lịch nên tháng nào cũng có vài ngày ngập liên miên như vậy. Triều cường làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người dân và chúng tôi là những nạn nhân đầu tiên"…

Ở phía Đông bắc thành phố, một số địa bàn của quận Thủ Đức cũng đang bị triều cường xâm nhập. Đáng lo ngại là khu vực này có nhiều hộ gia đình trồng mai, nếu nước triều vượt qua bờ bao thì coi như vụ mai Tết này sẽ trắng tay. Ông Tám Xẻo (khu phố 8, phường Linh Đông, quận Thủ Đức) lo lắng: "Đợt vỡ bờ bao cuối tháng 10 vừa qua tuy chưa gây thiệt hại nặng nhưng tụi tôi vẫn lo lắm. Gia đình nào cũng phải mua thêm bao dứa, cát, cọc cừ… để sẵn sàng gia cố bờ bao phòng nước xâm nhập. Trồng cây sắp đến ngày thu hoạch mà bị nước vào thì coi như năm nay mất Tết"... Những người trồng mai ở phường Hiệp Bình Chánh, Linh Tây… kế bên cũng đều chung tâm trạng như ông Tám Xẻo.

"Tự cứu mình" và chờ…

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, hiện TP Hồ Chí Minh có 28 điểm có khả năng ngập sâu, trong đó có 19 điểm ngập do cao trình thiết kế thấp hơn đỉnh triều trên đường Mai Xuân Thưởng, An Bình, Bình Tiên, Ngô Tất Tố… Chín điểm còn lại gồm các đường Lương Định Của (quận 2), bến Phú Định (quận 8), Bùi Hữu Nghĩa - Nguyễn Xuân Ôn (quận Bình Thạnh), Nguyễn Thị Thập - Huỳnh Tấn Phát (quận 7). Ngoài ra, các tuyến đường như Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức), một số hẻm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ, khu chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh) luôn trong tình trạng "phố biến thành sông" nếu có triều cường ở mức cao. Trong hoàn cảnh ấy, người dân không còn sự lựa chọn nào khác ngoài tự lo cho gia đình mình theo những cách khác nhau.

Theo bà Thái Thị Thanh Thu (phường 2, quận Bình Thạnh) ở tổ dân phố 7, trước cửa nhà nào cũng lù lù hai bờ tường để ngăn nước vào nhà. "Ngăn toàn bộ lối vào nhà không được vì phải chừa chỗ dắt xe máy nên nhà nào cũng phải có thêm tấm gỗ, khi cần có thể bắt vít vào bờ tường để ngăn nước. Nhiều nhà trong khu này phải nâng nền vài lần trong mấy năm gần đây mà ngập vẫn hoàn ngập. Cả khu nằm trong diện giải tỏa của dự án kênh xuyên tâm có từ năm 1998 đến nay vẫn "đắp chiếu" nên chẳng ai dám xây mới. Dân kêu hoài mà tình hình cũng chưa được cải thiện là bao" - giọng bà Thu xót xa.

"Nhà tôi lúc đầu từ nền đến trần là hơn 3m, sau 3 lần nâng thì giờ nền nhà chỉ còn cách xà ngang xấp xỉ 1,8m, ra vào phải cúi người không thì sẽ bị cộc đầu" - chị Trang nhà ở cư xá Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh) cho biết. Đáng buồn là nhà chị Trang không phải là cá biệt, bởi hầu như nhà nào ở đây cũng phải bất đắc dĩ nâng nền nhà lên gần bằng… cửa sổ. Vậy mà vẫn ngập vì không thể nâng nền lên cao hơn được nữa.

Có chứng kiến cảnh người dân khốn đốn với triều cường và tát nước vã mồ hôi mới thấy vấn nạn "con nước" ngày càng đáng báo động. Và cũng thật khó hình dung một đô thị như TP Hồ Chí Minh mà những cảnh tượng trên lại trở thành "chuyện thường ngày". Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, đến nay TP đã hoàn thành 36 dự án cải tạo, lắp mới hệ thống thoát nước bằng vốn ngân sách và 184km hệ thống thoát nước đã đưa vào vận hành. Riêng dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn đoạn từ Vàm Thuật đến Nam Rạch Tra đã hoàn thành tuyến đê dài 47,4km, giúp ngăn triều cho hơn 3.500ha. Giải pháp lâu dài giải quyết tình trạng triều cường phụ thuộc nhiều vào việc xây dựng hệ thống đê bao khép kín và 14 cống lớn từ Bến Súc (Củ Chi) đến sông Kinh Lộ (tỉnh Long An) những năm tới. Riêng dự án cống kiểm soát nước triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè giải quyết ngập do triều cường cho các quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận đang thi công sẽ hoàn thành trong quý I-2012. Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung triển khai đầu tư xây dựng 4 cống kiểm soát triều cường tại sông Kinh, Phú Xuân, Vàm Thuật và Tân Thuận.

Đỉnh điểm của mùa triều cường năm 2011 tại TP Hồ Chí Minh mới chỉ qua một nửa. Người dân vùng triều đang "tự cứu mình" và chờ đợi những biện pháp căn cơ, hiệu quả từ cơ quan chức năng trong khi những bài toán đặt ra từ nhiều năm trước đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Không còn cách nào khác, người dân chỉ biết hy vọng những công trình ngăn triều sẽ sớm đi vào hoạt động và phát huy giá trị.

Thế Dũng