Chuyện cây cầu và giấc mơ thoát nghèo ở Văn Võ
Đời sống - Ngày đăng : 07:27, 20/11/2011
Nghề khâu nón ở xã Văn Võ tạo việc làm cho nhiều lao động, nhưng ngày công lao động chưa cao. |
Trái ngược với bên kia sông Đáy: Chợ Chuông, xã Phương Trung nhộn nhịp bao nhiêu thì bên này sông xã Văn Võ lại tĩnh lặng bấy nhiêu. Phần lớn những ngôi nhà ở Văn Võ thấp bé, nằm khiêm nhường bên những vườn chuối, vườn bưởi um tùm. Con đường đất vào thôn, hễ mưa là bùn trơn. Một người dân trong xã cho biết, làng xóm vắng vẻ vì đa số dân ở nhà khâu nón. Theo cán bộ Hội Nông dân xã, chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Thuận, thôn Văn La đúng lúc chị đang mải miết với công việc khâu nón thường nhật. Chị Thuận cho biết: Mỗi khẩu ở đây được 12 thước ruộng. Nhà tôi nhận cấy thêm của chị gái, tổng cộng có 5 sào. Nhưng làm ruộng bây giờ chỉ để đủ gạo ăn, chứ không có lãi. Vì thế những ngày nông nhàn, người dân tập trung vào khâu nón cả. Theo nhẩm tính của chị Thuận, thợ giỏi mỗi ngày làm được 2 chiếc nón, trừ chi phí mua lá, khung, chỉ… công khâu được khoảng 40 nghìn đồng. Đó là đối với các thợ giỏi, thạo việc, không thì chỉ bằng một nửa.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Văn Cao, xã Văn Võ có hai thôn: Văn La và Võ Lao. Thôn Văn La khá hơn nhờ có nghề làm nón với 650 hộ (chiếm khoảng 80% số hộ) tham gia. Còn thôn Võ Lao không có nghề truyền thống, phụ nữ thôn này ngoài làm ruộng thường đi đánh dậm. Nhưng nghề này mấy năm nay cũng đã giảm nhiều. Theo trưởng xóm Tân Hợp Phan Văn Ổn, khoảng chục năm về trước, có 80% phụ nữ trong xóm đi đánh dậm, nhưng giờ nhà cửa lấn đầm hồ, nước tù, nước đọng ít tôm cá nên người ta bỏ nghề. Còn giữ nghiệp cua ốc trong làng là những người không có đường làm ăn nào khác. Gần đây, nghề khâu nón thôn Văn La được "cấy" sang thôn Võ Lao thu hút khoảng 350 hộ (chiếm 50% số hộ) tham gia. Khâu nón đỡ vất vả hơn đi đánh dậm nhưng người dân vẫn chưa an tâm vì nghề này bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường và ngày công rất thấp. Tiếng là ở quê, ăn uống đơn giản, rau dưa nhiều nhà tự trồng được nhưng vẫn còn trăm thứ phải tiêu khác từ cỗ cưới, giỗ chạp đến đóng học cho con cái… Trông vào nghề, cùng lắm cũng chỉ đủ chi tiêu lặt vặt chứ không thể giàu lên được. Cánh đàn ông trong xã chủ yếu đi làm thợ mộc, thợ xây nhưng việc không đều. Thiếu việc làm, sớm sớm, chiều chiều không ít đàn ông la cà quán xá lại tính toán lô đề. Cánh này ăn chịu nhiều đến nỗi nhiều quán mở ra bán được một thời gian, lỗ quá phải dẹp bỏ. Để giúp các hộ dân đa dạng ngành nghề, chính quyền đã mở một số lớp dạy nghề nhưng chưa nghề nào trụ được.
Là địa bàn xa trung tâm huyện, nhiều năm qua xã Văn Võ luôn nằm trong "tốp" các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Chương Mỹ. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 21%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 6 triệu đồng/năm. Lý giải về cái nghèo, Chủ tịch UBND xã Văn Võ Nguyễn Văn Hưng phân trần, xã có 8.300 nhân khẩu nhưng chỉ có 200ha đất nông nghiệp. Không những vậy, đất đai lại manh mún, mỗi hộ có từ 4 đến 5 ô thửa, khó khăn trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong khi đó, làng nghề tuy đông người làm nhưng ngày một èo uột bởi ngày công thấp.
Đường giao thông độc đạo từ huyện về Văn Võ là đường đê Đáy rất nhỏ nên đến nay xã vẫn chưa thu hút được doanh nghiệp nào về. Cách đây gần 5 năm, cầu Văn Phương nối xã Văn Võ sang xã Phương Trung ra quốc lộ 21B với chiều dài gần 1.000m, rộng 9m, tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng được khởi công, tạo đà cho Văn Võ phát triển. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn chưa xong do 19 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng làm đường dẫn lên cầu. Nhiều hội nghị, giải pháp được UBND TP và huyện Chương Mỹ đề ra song đến nay, công trình vẫn "dậm chân tại chỗ". Trước sự chậm trễ, kéo dài này, mới đây, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận về nguyên tắc giao cho UBND huyện Chương Mỹ làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Đông đảo người dân trong xã mong ngóng dự án sớm đẩy nhanh để thông cầu. Có như vậy, người dân mới mở mang, giao lưu phát triển kinh tế - xã hội và thêm cơ hội để thoát nghèo.