Xa dần dấu ấn làng xưa

Xã hội - Ngày đăng : 07:24, 20/11/2011

(HNM) - Tam Hiệp từ một xã thuần nông của huyện Thanh Trì, song cán bộ và nhân dân nơi đây đã năng động phát huy lợi thế địa bàn gần trung tâm huyện; chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả, từ những nông dân quanh năm chỉ biết tới cây lúa, cây rau, con cá, nay làng đang dần lên phố.

Một góc đình làng Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp.


Nông nghiệp giảm - dịch vụ gia tăng

Theo lịch hẹn, chúng tôi gặp lãnh đạo xã Tam Hiệp, Phó chủ tịch xã Trịnh Quốc Thắng vừa họp chỉ đạo an ninh xã phân luồng giao thông qua cầu Huỳnh Cung - Tựu Liệt vào giờ tan tầm. Ngày nào cũng phân luồng, song ngày nào cũng tắc - anh Thắng phân trần - không phải tại anh em an ninh xã không nhiệt tình, thiếu trách nhiệm mà do cầu yếu, nhỏ, mặt cắt chỉ có 2,5m xây từ mấy chục năm trước. Xưa các cụ ta đi bộ, đi xe đạp thì đáp ứng được chứ nay ô tô, xe máy nhiều, dân nhập cư tăng nhanh cây cầu trở nên quá tải. Như muốn nhấn thêm, anh vào chuyện: Tam Hiệp có diện tích tự nhiên trên 300ha, dân số gần 12.000 nhân khẩu, tốc độ đô thị hóa đang rất sôi động; đặc biệt do gần trung tâm huyện cũng như một số quận như Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai đã thu hút nhiều dự án đầu tư, dân số cơ học tăng mạnh. Thời gian qua, xã đã dành hàng trăm hécta đất cho các đơn vị đóng trên địa bàn từ Nghĩa trang Văn Điển, dự án đường giao thông và dự án phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế của xã đang chuyển dịch, số lao động nông nghiệp giảm dần chuyển mạnh sang dịch vụ và thương mại. Hiện xã có  66 công ty, doanh nghiệp, 461 hộ cá thể kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, 280 hộ sản xuất cơ khí, mộc, tái chế vỏ bao xi măng… do đó giá trị TTCN - dịch vụ của xã đã chiếm tới 73%, giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ còn 27% và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Diện mạo Tam Hiệp khởi sắc từng ngày và đạt những thành tựu về kinh tế - xã hội đáng khích lệ. Tuy nhiên với tốc độ đô thị hóa nhanh, đất nông nghiệp bị thu hồi để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, nên đất nông nghiệp còn lại đa phần đều bị kẹt, tiêu thoát nước khó khăn. Từ một xã trọng điểm lúa, rau, cá của huyện Thanh Trì, nay đất lúa của Tam Hiệp chỉ còn 41,7ha nhưng năng suất thấp, bà con đang chuyển dần sang các loại rau muống, rau cần... Hiện toàn xã có trên 50ha rau các loại và gần 62ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng từ 580 đến 610 tấn cá. Tuy nhiên, do thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp hơn nhiều lần so với các loại hình dịch vụ khác, nhiều nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng đang tạo sức ép về việc làm cho lao động nông thôn.

Chị Nguyễn Thị Lan, hộ kinh doanh sơn cao cấp ven đường Tựu Liệt, nơi tâm điểm phát triển dịch vụ của xã, cho biết: Khoảng 10 năm nay, tốc độ phát triển dịch vụ trên địa bàn xã diễn ra mạnh mẽ. Bên cạnh những "cái được" rất to lớn của đô thị hóa đem lại cho cộng đồng, còn có những phát sinh cần được khắc phục đó là phòng ngừa tệ nạn xã hội, cải thiện vệ sinh môi trường, giải quyết mâu thuẫn của một số gia đình và tạo việc làm cho người lao động.

Làng trong phố

Lâu nay trong tâm trí của nhiều người biết đến xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì là một vùng quê nông nghiệp trù phú cận kề đô thị đã mang đến cho Hà Nội nhiều sản vật và góp phần tạo nên diện mạo của một vùng văn hóa ẩm thực. Những năm qua, việc thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi sang làm công nghiệp, đô thị, nhiều sản vật nổi tiếng trước đây đã đi vào hoài niệm. Giờ gọi thôn Tựu Liệt là phố thì tiếc cái cổng làng, cái mái đình, mái chùa cổ kính ở nơi đây. Gọi là làng thì cũ quá, vì đường bê tông trải nhựa vào tận cửa nhà, nhà 5 gian 3 chái đã là của hiếm, nhà ống giờ đã phổ biến.

Bên ngoài vẻ hào nhoáng của các cửa hiệu sầm uất với đủ các loại dịch vụ ở thôn Tựu Liệt, vẻ yên bình với những con ngõ nhỏ của thôn Huỳnh Cung và Yên Ngưu khiến dấu ấn làng xưa vẫn còn trong lòng một Tam Hiệp đang chuyển mình thành đô thị. Ngõ làng Yên Ngưu nhỏ dài, ngoắt ngoéo, lượn đến đình thôn Huỳnh Cung thờ Hồng Bác đại vương và Uy Mang đại vương - con vua Hùng thứ 17. Trong đình còn phối thờ Chu Văn An là người có công lớn đối với dân làng Huỳnh Cung. Đình xây 5 gian, 4 mái kết cấu kiểu giá chiêng chồng rường bẩy hiên, đầu đao đắp rồng chầu, bờ nóc có đầu hổ phù đội mặt trời lửa, mái lợp ngói mũi hài. Trang trí kiến trúc trong đình thể hiện các hình cánh sen, đao mác, rồng ngậm ngọc, hổ phù, hoa dây được chạm nổi. Bên cạnh đó còn có nét chạm hình long, ly, quy, phượng, trái đào, trúc hóa long. Cửa võng, y môn, hoành phi câu đối, ngai thờ, hương án đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy khiến dấu ấn của ngôi làng cổ bên sông Tô Lịch chưa hẳn đã bị cơn lốc đô thị hóa lấn át hoàn toàn. Tuy nhiên "Lúa đồng Ngâu" trong câu ca nổi tiếng của làng Yên Ngưu thơm ngon đã làm nên "rượu hũ làng Ngâu" nổi tiếng giờ không còn.

Bạch Thanh