Vẫn lặng lẽ những chuyến đò sang sông
Giáo dục - Ngày đăng : 06:53, 20/11/2011
Những việc làm không để nêu gương
Hôm nay, ngày 20-11, hơn một triệu thầy giáo, cô giáo các cấp học, ngành học trên khắp mọi miền đất nước kỷ niệm ngày lễ trọng của mình với niềm vinh dự, tự hào và cũng đầy trách nhiệm với sứ mạng được giao "trồng người". Ghi nhớ công lao và biết ơn đối với những người thầy, mỗi học trò, mỗi bậc phụ huynh và cả xã hội đã và đang thể hiện sự quan tâm, chăm lo thiết thực đến sự nghiệp GD-ĐT và người giáo viên…
Học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) chúc mừng cô giáo nhân ngày 20-11. Ảnh: Thái Hiền |
Nói về đội ngũ ấy, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển tự hào: Đội ngũ ấy đang ngày càng hoàn thiện mình về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp GD-ĐT và bao kỳ vọng của cả xã hội. Dù đây đó còn có người chưa thực sự vững vàng, song đó không phải là đại diện cho cả đội ngũ hơn triệu con người đang ngày đêm miệt mài bên những trang giáo án. Không chỉ năng động, sáng tạo, mong muốn tìm ra những phương pháp dạy học hiệu quả hơn với học trò, đội ngũ ấy còn là những điển hình về tấm lòng nhân ái. Khắp mọi miền đất nước, ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và cả trong những thời khắc khó khăn vì thiên tai, các thầy, cô cũng là người đứng ra cưu mang, chăm chút cho các em. Có cô giáo quên cả thân mình để cứu học trò khi vượt dòng nước lũ. Những câu chuyện về cô Hoa, cô Quý, thầy Cường… kiên trì bám trường, bám lớp, giành giật với thủy thần từng cuốn sách, từng hạt gạo nấu ăn cho học trò… đã trở thành bất tử trong lòng bao thế hệ HS, đồng nghiệp sau mùa nước lũ ở miền Trung năm ngoái.
Thương học trò yếu, mong các em không bỏ học vì không theo kịp bạn, mỗi thầy, cô giáo ở Lạng Sơn đều dành hai tiết trong một tuần không hưởng thù lao để phụ đạo cho các em học lực yếu, kém. Ngay tại Hà Nội, hàng chục nghìn thầy cô giáo đã cống hiến bao công sức và lòng nhiệt huyết cho những buổi kèm cặp ngoài giờ, nhận đỡ đầu HS nghèo khó bệnh tật, khẳng định một phong trào có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, được đồng nghiệp cả nước biết đến. Còn ở giữa ốc đảo của Thủ đô, bao năm nay, hàng chục thầy, cô giáo vẫn gắn bó với bãi nổi Minh Châu (Ba Vì), ngày ngày cần mẫn theo những chuyến phà sang sông, nhọc nhằn đem cái chữ đến cho những chủ nhân tương lai của mảnh đất nghèo. Những việc làm thầm lặng ấy - với các thầy, các cô - tất cả chỉ với mong muốn lớp HS thân yêu lớn lên, góp sức xây đời…
Tri ân - không chỉ một ngày
- Tỷ lệ đạt chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên nhà trẻ trên cả nước là 90%; mầm non - 96%, tiểu học - 99,46%, THCS - 96,5%, THPT - 99,2%. - Cấp tiểu học hiện có tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn cao nhất với 61,3%, tiếp đến là ở cấp THCS - 46,2%, mầm non - 32,9%, THPT - 7%. - Ở khối cao đẳng, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là 2,48%; 32% số giảng viên có trình độ thạc sĩ. - 14,4% giảng viên ĐH có trình độ tiến sĩ, 45% có trình độ thạc sĩ. |
Ghi nhận công lao và động viên sự nỗ lực cống hiến của các nhà giáo, Đảng, Nhà nước và ngành GD-ĐT đã tặng thưởng các tập thể và cá nhân các thầy, các cô nhiều phần thưởng và các danh hiệu cao quý. Đã có gần 500 nhà giáo ở tất cả các bậc học trên cả nước được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, hơn 6.000 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Nhiều chế độ, chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các thầy, cô giáo cũng được ban hành, trong đó có những quyết sách mang tính chiến lược, làm động lực thúc đẩy sự nghiệp GD-ĐT phát triển như tăng mức đầu tư cho giáo dục. Nếu như năm 2010, tổng mức đầu tư cho GD-ĐT là 120.785 tỷ đồng, thì đến năm 2011, con số này là 135.041 tỷ đồng.
Giờ học vẽ của các bé Trường Mầm non B (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Linh Tâm |
Nghị quyết về đổi mới cơ chế tài chính trong GD-ĐT từ năm học 2010-2011 đến năm học 2013-2014 đang bước đầu triển khai chắc chắn sẽ góp phần tăng nguồn lực huy động cho phát triển GD-ĐT và tạo sự công bằng hơn trong GD-ĐT. Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định về chính sách tiền lương và phụ cấp theo lương cho nhà giáo như quy định chuyển xếp lương mới, quy định cho giáo viên được hưởng lương theo trình độ đào tạo, phụ cấp cho người dạy thêm giờ, chính sách ưu đãi đặc biệt cho cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ ở vùng khó khăn. Những người cống hiến lâu dài ở vùng khó được tạo mọi điều kiện để ổn định cuộc sống lâu dài như xét cấp đất làm nhà, hỗ trợ kinh phí làm kinh tế gia đình… Chính sách luân chuyển cán bộ cũng được nhiều địa phương tích cực triển khai nhằm xóa dần khoảng cách về điều kiện và chất lượng GD-ĐT ở các vùng, miền. Một tin vui khác với các nhà giáo trong năm 2011 này là từ ngày 1-9, những người có thời gian giảng dạy từ 5 năm trở lên bắt đầu được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên.
Việc chăm lo đời sống nhà giáo, nhất là những người ở vùng khó khăn được quan tâm ngày càng thiết thực với sự chung tay của các cấp, các ngành và các lực lượng xã hội tại địa phương. Hơn 1,3 triệu mét vuông nhà ở công vụ cho giáo viên đang được tích cực xây dựng để hoàn thành vào năm 2012 theo mục tiêu của Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Ngoài các đợt quyên góp do thiên tai, trong năm học 2010-2011, các nhà giáo ở khắp các trường học trên cả nước cũng thể hiện sự chia sẻ với đồng nghiệp vùng khó khăn của mình bằng cách ủng hộ hơn 35 tỷ đồng, sách vở, máy tính, trang thiết bị…
Tri ân các thầy, cô giáo, hôm nay, mỗi học trò, mỗi bậc phụ huynh, toàn xã hội đều dành cho những người làm thầy sự biết ơn, kính trọng. Với truyền thống tôn sư trọng đạo, tôn vinh người dạy học, chắc chắn, sẽ có nhiều hơn nữa những nỗ lực để động viên, tiếp sức cho cống hiến của đội ngũ thầy, cô giáo trên khắp mọi miền.