Hời hợt đến bao giờ ?

Đời sống - Ngày đăng : 06:44, 20/11/2011

Theo thống kê của Thành đoàn Hà Nội, bình quân mỗi năm TP Hà Nội có 200 nghìn lao động trẻ thiếu việc làm, trong đó đối tượng thanh niên khu vực ngoại thành chiếm 80%. Giải quyết việc làm cho thanh niên trở thành nhiệm vụ cấp thiết và được tổ chức Đoàn, Hội của TP Hà Nội quan tâm.

"Cưỡi ngựa xem hoa"
Theo thống kê của Thành đoàn Hà Nội, bình quân mỗi năm TP Hà Nội có 200 nghìn lao động trẻ thiếu việc làm, trong đó đối tượng thanh niên khu vực ngoại thành chiếm 80%. Giải quyết việc làm cho thanh niên trở thành nhiệm vụ cấp thiết và được tổ chức Đoàn, Hội của TP Hà Nội quan tâm.

Đoàn TN TP Hà Nội có hai trung tâm giới thiệu việc làm. Mỗi năm, trên địa bàn TP Hà Nội, các cấp bộ Đoàn phối hợp với các ngành chức năng, doanh nghiệp tổ chức liên tục nhiều hội chợ, ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm. Từ năm 2006 đến nay, hai trung tâm của Thành đoàn đã tư vấn việc làm cho hơn 35 nghìn thanh niên; giới thiệu việc làm cho hơn 12 nghìn thanh niên…

Đào tạo nghề sửa xe máy cho thanh niên tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên. Ảnh: Đăng Khoa


Tuy nhiên, vẫn chưa có đánh giá cụ thể nào về tình hình lao động tuyển dụng qua kênh của Đoàn sau khi được giới thiệu, làm việc ra sao? "Ngày hội việc làm thanh niên Thủ đô lần thứ III - 2011" được tổ chức hồi tháng 5-2011 tại Đại học Quốc gia Hà Nội là một ví dụ. Thông tin của Ban tổ chức có đến 10.000 việc làm đang chờ thanh niên qua 107 doanh nghiệp, đơn vị đào tạo tham dự và đã có hơn 3.000 thanh niên tham gia phỏng vấn. Nhưng số thanh niên được nhận vào làm có đảm đương công việc được không, thăng tiến ra sao... thì các cơ quan không nắm bắt được. Bà Nguyễn Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm GTVL TN Hà Nội cũng thừa nhận, số được tuyển dụng vào làm chính thức chỉ chưa đến 30% số thanh niên được phỏng vấn và tiếp nhận hồ sơ tại ngày hội, nhưng tình hình sau khi vào làm thế nào thì không thể biết cụ thể được.

Nguyên nhân từ cả hai phía, nhiều thanh niên đến với ngày hội là thụ động, không tự tin, đến nghe ngóng xem sao chứ thực chất không đặt nhiều hy vọng tìm được việc làm thích hợp; còn nhà tổ chức cũng mang màu sắc "sự kiện", đa số doanh nghiệp tham dự ngày hội đều mang tính chất giới thiệu, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp; các trung tâm đào tạo, các trường thì giới thiệu về đơn vị nhằm tuyển sinh, dẫn đến "ngày hội việc làm" không thực sự hiệu quả.

Phát huy vai trò cầu nối
Mới đây tại hội thảo về vai trò của Hội LHTN Việt Nam tham gia bảo vệ quyền và lợi ích của thanh niên trong lĩnh vực lao động, việc làm, TS Chu Xuân Việt, Viện Nghiên cứu thanh niên bày tỏ lo ngại, chưa lúc nào vấn đề lao động, việc làm của giới trẻ lại cấp bách có tính thời sự như hiện nay. Bởi theo thống kê trong 10 tháng năm 2011, cả nước có 49 nghìn doanh nghiệp phá sản, hàng vạn thanh niên mất việc làm; trong khi đó giá cả tăng cao, đời sống lao động trẻ đã khó lại chồng thêm khó. Ngay lúc này, vai trò của Đoàn, Hội cần phải được khẳng định trong việc hỗ trợ cho lao động trẻ học nghề và tạo việc làm. Các chủ trương, chính sách đối với thanh niên có rất nhiều, nhưng nhiều bạn trẻ chưa tiếp cận được chính sách, tận dụng được các điều kiện, cơ hội mà Đảng, Nhà nước quan tâm trong học nghề, nhất là thanh niên nông thôn, bộ đội xuất ngũ. Thêm nữa, chất lượng dạy nghề cho thanh niên còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, gây mất cân đối giữa cung và cầu. Một bộ phận thanh niên học nghề chạy theo thị hiếu, gây lãng phí trong đào tạo cho cả gia đình và xã hội. Làm thế nào để hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên trong lĩnh vực việc làm kịp thời, để họ thấy rằng sự đồng hành thiết thực, hiệu quả đang là mối trăn trở của các cấp bộ Đoàn, Hội.

Xác định rõ vai trò của tổ chức Đoàn, Hội trong công tác định hướng, tư vấn, hướng nghiệp và đào tạo nghề góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên, năm 2011, Thành đoàn, Hội LHTN TP Hà Nội đã xây dựng 6 đề án liên quan đến lĩnh vực hỗ trợ thanh niên Thủ đô học nghề, tạo việc làm, vay vốn… Đề án xây dựng là cần thiết, nhưng quan trọng là cách thức triển khai đề án ra sao? Đáp ứng được nhu cầu của thanh niên như thế nào? Đã kịp thời chưa?... cần phải được Đoàn TN và Hội LHTN chú trọng.

Theo Tiến sĩ Trần Văn Miều, nguyên Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia Về thanh niên Việt Nam, tổ chức Đoàn, Hội cần đánh giá những mô hình như làng thanh niên lập nghiệp, câu lạc bộ sản xuất kinh doanh giỏi, trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và khảo sát vấn đề lao động trẻ trong các doanh nghiệp; phải dõi theo họ để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, chứ đừng nghĩ cứ tuyển dụng, đưa lao động vào doanh nghiệp là xong. Làm được như vậy mới mong khắc phục được phần nào tình trạng chạy theo phong trào, bề nổi… Mặt khác, cán bộ Đoàn cơ sở ngoài việc phải "biết chơi" với thanh niên thì cũng phải "biết chơi" với doanh nghiệp, tạo mối quan hệ, sự tin cậy lẫn nhau để làm cầu nối giải quyết việc làm cho thanh niên.

Rõ ràng trong giai đoạn hiện nay, việc hỗ trợ thanh niên trong lĩnh vực lao động việc làm là rất khó khăn, nhưng nếu làm có trách nhiệm, hiệu quả, chắc chắn vị thế, vai trò của tổ chức Đoàn TN, Hội LHTN sẽ được khẳng định.

Việt Tuấn