Giá trị đích thực của giải thưởng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:28, 20/11/2011
Vui mừng là số lượng - tới 67 công trình. Là những địa phương khó ngờ - tỉnh Bình Thuận, Ninh Bình. Là một số ngành vượt trội - Viện Khoa học xã hội (16 công trình) và Bộ GD và ĐT (11 công trình).
Lo ngại là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, hai trung tâm kinh tế, khoa học, công nghiệp (chiếm gần 50% sức mạnh kinh tế và trên 70% tiềm lực chất xám của cả nước) không có tên trong danh sách; là tiềm năng nghiên cứu khoa học của nhiều bộ, ngành sức mạnh như Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học - công nghệ, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương, Viễn thông, Dầu khí, Hàng không, Đóng tàu… không có trong danh sách hoặc có ít công trình. Một lo ngại nữa là có rất nhiều công trình về khoa học xã hội nhưng thực tế số học sinh muốn theo học những ngành xã hội mỗi năm một giảm mạnh; là Bộ GD và ĐT cũng nhiều công trình nhưng dư luận cả nước ngày càng lo ngại về chất lượng giáo dục và đào tạo...
Giới trí thức phong kiến Việt Nam chỉ chuyên về khoa học xã hội, còn tự nhiên, dù đó là những vấn đề liên quan trực tiếp tới sự sống còn của một đất nước nông nghiệp như thiên văn, thời tiết, khí tượng, cây giống, con giống… chưa được quan tâm, coi trọng. Và những công trình lý thuyết của những tài năng như Trạng lường Lương Thế Vinh; thực tế như của doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, của những người xây dựng kênh nhà Lê, những dòng kênh ở Nam bộ nổi tiếng tới tận ngày nay ít được đánh giá đúng!
Người Việt đã thay đổi mau chóng và đất nước đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực khoa học tự nhiên từ những năm 20 của thế kỷ XX và đặc biệt là sau khi đất nước giành được độc lập. Chúng ta đã có nhiều nhà khoa học lớn được thế giới công nhận ngay cả trong những lĩnh vực còn rất mới như nguyên tử, hạt cơ bản… Nhưng từ khi đất nước thống nhất, chiến lược phát triển khoa học dường như không được chú trọng đúng mức, thậm chí thiên lệch - quá chú trọng vào lý thuyết, tầm chương trích cú, coi nhẹ thực hành, ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam, mặc dù đất nước đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hàng chục vạn người đi học tập, nghiên cứu ở các nước có nền khoa học phát triển…
Chẳng còn bao lâu nữa sẽ tới ngày, theo định hướng, Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp, dù còn sơ khai, ban đầu. Mục tiêu chiến lược đó không thể đạt được theo kiểu báo cáo thành tích. Nó chỉ thành hiện thực khi có những công trình khoa học ứng dụng thật sự mang lại hiệu quả bước ngoặt về nhận thức, về kinh tế; tạo nên bệ phóng khát vọng vươn lên ngang tầm thời đại; nền tảng sức mạnh tự hào trí tuệ dân tộc để cho người Việt chúng ta, như từng mong ước khi giành lại được độc lập:
Rất tự do nên rất tự hào
Mỗi con người lấp lánh một vì sao…
Đó mới là giá trị thực sự của mỗi giải thưởng, nhất lại là giải thưởng Nhà nước, giải thưởng mang tên Hồ Chí Minh.