“Bình” cũ, “rượu” cũng chưa mới
Đời sống - Ngày đăng : 06:47, 19/11/2011
Đổi giờ học, giờ làm chưa thể giúp cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại TP Hồ Chí Minh. |
10 năm loay hoay với giải pháp lệch giờ
Đây không phải lần đầu giải pháp học lệch giờ, làm lệch ca được đề cập đến ở TP Hồ Chí Minh. Từ năm 2001, TP đã nghiên cứu và chính thức đề xuất việc học lệch giờ, làm lệch ca vào năm 2003. Tuy nhiên ngay sau đó HĐND TP đã bác bỏ với lý do chưa rõ cái được và chưa được của giải pháp này là gì. Tháng 10-2007, UBND TP tiếp tục đưa ra Kế hoạch 6650 với 8 giải pháp cấp bách nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, trong đó bố trí lại giờ làm việc và học tập vẫn được ưu tiên hàng đầu. Theo kế hoạch này, các cơ quan hành chính nhà nước bắt đầu làm việc từ 7h30 hoặc 8h, kết thúc 16h, 16h30 hoặc 17h; các lớp mầm non vào học lúc 7h30 và tan trường lúc 16h30; cấp tiểu học buổi sáng vào học 7h30 và tan học 11h30, buổi chiều vào học 13h15 và tan học 16h45; cấp THCS buổi sáng vào học 7h và tan học 11h30, buổi chiều học 13h15, tan học 17h15; cấp THPT buổi sáng vào học 6h45 và tan học 11h30, buổi chiều vào học 13h30 và tan học 17h45. Đối với các LCN và KCX, UBND TP không đề xuất làm việc lệch giờ.
Thế nhưng, giải pháp trên đã không được HĐND TP thông qua vì lo ngại sẽ làm đảo lộn cuộc sống người dân khi chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Một số ý kiến cho rằng phải thấy cái lợi thực sự của giải pháp lệch giờ, lệch ca chứ không phải ngồi một chỗ rồi mường tượng việc 10.000 người đi làm (học) giờ này thì vào thời gian khác tuyến đường này sẽ vắng, trong khi chưa rõ nếu số người này chuyển qua thời gian khác sẽ gây ùn tắc như thế nào và những hệ lụy kèm theo sẽ ra sao... Mặc dù vậy phương án trên vẫn được Sở GD-ĐT đồng tình và áp dụng lệch giờ học 15-30 phút giữa các cấp. Nhưng trên thực tế, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn không giảm, có chăng chỉ cải thiện được ở… các cổng trường. Vì thế, khi giải pháp này một lần nữa được đề nghị áp dụng (sau 10 năm nghiên cứu) khiến nhiều người dân băn khoăn, bởi công tác quy hoạch và quản lý đô thị mới là giải pháp căn bản giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở TP Hồ Chí Minh hiện nay.
Cần giải pháp cụ thể, khoa học
Trong cuộc họp tại UBND TP chiều 15-11 vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) - đơn vị được UBND TP giao xây dựng đề án lệch giờ làm và giờ học vẫn chưa đưa ra được phương án mới để trình TP, mà mới chỉ có báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch lệch giờ làm, lệch ca học của đề án xây dựng từ nhiều năm trước. Đại diện Sở cho hay, đối với phương án đổi giờ làm, giờ học mới đây của Bộ GTVT, Sở đã yêu cầu 24 quận, huyện báo cáo nghiên cứu khảo sát về ùn tắc giao thông, nhưng đến nay chỉ có 5 quận, huyện thực hiện. Do chưa đạt được sự đồng thuận nên ngày 16-11, UBND TP tiếp tục làm việc với một số quận, huyện và sở, ngành để xây dựng phương án đổi giờ học, giờ làm. Dù đồng tình với phương án đổi giờ học, nhưng khi bàn đến lệch giờ làm, đa số lãnh đạo các quận, huyện cũng cho rằng "không cần thiết phải thay đổi". Tuy nhiên lãnh đạo TP vẫn yêu cầu các quận, huyện đã thí điểm lệch giờ học gửi báo cáo trước ngày 19-11 để TP tổng hợp trình Chính phủ.
Để có một đề án điều chỉnh giờ làm việc và học tập không gây xáo trộn lớn đến đời sống người dân thì đề án đó phải đáp ứng nguyện vọng của số đông và được cộng đồng xã hội ủng hộ. Do vậy, các cơ quan chức năng cần khảo sát kỹ về thực tế giờ đi làm, đi học của cán bộ, công chức, công nhân viên, học sinh, sinh viên, để từ đó xây dựng giải pháp lệch giờ như thế nào cho khoa học. Hơn nữa, việc bố trí lệch ca, lệch giờ học và làm việc ở TP Hồ Chí Minh cần chú ý đến những đặc thù riêng của một địa phương có nhiều cảng sông, cảng biển trong nội thành, và ít cơ quan trung ương so với Hà Nội.
Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu giảm tối đa tai nạn và ùn tắc giao thông thì chỉ một giải pháp lệch giờ, lệch ca thôi sẽ không đủ, mà còn phải có sự kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ, như nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng, phát triển mạng lưới giao thông công cộng và đặc biệt là phải có sự hợp lực của người dân trong việc nâng cao ý thức tham gia giao thông, gắn trách nhiệm của từng cá nhân đối với xã hội.