Tín hiệu đáng mừng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:44, 19/11/2011

(HNM) - Tình hình lũ lụt kéo dài hiện nay tại Thái Lan - nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, được dự báo là sẽ có ảnh hưởng đến giá gạo trong khu vực. Thế nhưng, trong khi giá các loại gạo của Thái Lan bán tại thị trường Việt Nam vẫn ổn định, thì giá gạo trong nước lại có xu hướng nhích lên.

Trên thị trường tự do, gạo Thái Lan vẫn giữ 19.000 - 20.000 đồng/kg, tại siêu thị giá khoảng 24.500 đồng; trong khi đó, giá một số loại gạo trong nước đang tăng nhẹ từ 200 đồng đến 2.000 đồng mỗi kilôgam. Chẳng hạn, tại các chợ, gạo Si dẻo có giá 14.000 đồng, gạo Bắc Hương 17.000 đồng, tám thơm Điện Biên giá 20.500 đồng một cân...; tại siêu thị, giá cao hơn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg tùy loại, mà vẫn tiêu thụ mạnh, thậm chí còn bán chạy hơn trong thời gian gần đây. Đó là tín hiệu đáng mừng!

Nguyên nhân hoàn toàn không phải do khan hàng, mà được nhiều người tiêu dùng cho là gạo của Thái Lan xử lý quá kỹ, còn ít chất cám, khi nấu trông hạt cơm trắng, đẹp mắt, song ăn nhạt, trong khi gạo quê nhìn không trắng bằng, nhưng còn lại nhiều cám, ăn có vị đậm đà hơn. Nghĩa là chất lượng hơn!

Việc giá một số loại gạo nội đột nhiên tăng giá, suy cho cùng cũng không có gì là bất thường. Phải nói rằng, việc giá gạo tăng như vậy không ảnh hưởng lắm đến đời sống, sinh hoạt của người tiêu dùng thành thị. Điều đáng nói là người nông dân có được hưởng lợi từ việc này hay không, hay chỉ giới kinh doanh thương mại, khâu trung gian được hưởng? Đó mới là sự bất hợp lý cần xem xét. Điều đáng nói hơn nữa là tập quán tiêu dùng của người dân đã có sự thay đổi theo hướng tích cực. Người ta dần đi vào thực chất và hướng tới sử dụng các mặt hàng truyền thống, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và quan trọng là biết rõ nguồn gốc và yên tâm được về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, chứ không "sính ngoại" theo phong trào như trước nữa.

Việt Nam đã và đang có những loại gạo ngon không thua kém gì gạo Thái Lan, nên việc người tiêu dùng lựa chọn gạo trong nước không chỉ do chất lượng hàng nội ngày càng được khẳng định mà còn là một cách thiết thực hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tuy nhiên, để việc này mang tính ổn định, lâu dài và có hiệu quả trong thực tế, phải có những chính sách, giải pháp nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng lúa.

Người Tiêu Dùng