Phát huy lợi thế làng nghề
Xã hội - Ngày đăng : 07:16, 18/11/2011
Nuôi ba ba ở xã Khai Thái, Phú Xuyên.
Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Trương Thế Cầu cho biết, là huyện vùng trũng, sản xuất nông nghiệp là chính, lại xa trung tâm Thủ đô nhưng Phú Xuyên có nhiều lợi thế để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Toàn huyện hiện có 138 làng thì có tới 124 làng có nghề truyền thống (chiếm 89%), thu hút khoảng 70% số lao động làm nghề. Từ năm 2005 đến nay, sản xuất TTCN và làng nghề tăng bình quân 18,2%/năm. Riêng năm 2010, giá trị sản xuất đạt gần 1.200 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch rõ rệt. Trong sản xuất nông nghiệp, để nâng cao thu nhập trên một diện tích đất canh tác, nông dân các xã trong huyện đã chuyển đổi được gần 1.000ha từ đất 2 lúa sản xuất kém hiệu quả sang làm kinh tế trang trại nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với việc duy trì và phát triển nghề truyền thống, nâng cao thu nhập cho nhân dân, huyện Phú Xuyên xác định tạo đột phá trong xây dựng NTM bằng dồn điền đổi thửa (DĐĐT), tập trung thực hiện những tiêu chí đạt thấp. Trên cơ sở hoàn thành DĐĐT, huyện quy hoạch các vùng có lợi thế sản xuất nông sản hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong huyện và cung cấp cho thị trường Thủ đô. Xác định rõ việc "khó" làm trước, nên sau khi xã Đại Thắng được chọn làm xã điểm xây dựng NTM của huyện, việc DĐĐT, quy hoạch NTM được tiến hành khẩn trương. Sau gần một năm triển khai, thành công nhất là xã đã hoàn thành DĐĐT gắn với quy hoạch vùng sản xuất. Hiện, mỗi hộ dân ở Đại Thắng chỉ còn 1-2 ô thửa đất canh tác. Đồng thời, xã đã dành 20ha thuộc quỹ đất công để quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng như trường học, nhà văn hóa, quy hoạch khu đất đấu giá nhằm tạo nguồn lực xây dựng NTM.
Cùng với Đại Thắng, 14 xã đăng ký xây dựng NTM giai đoạn 1 (2010-2015) đang khẩn trương triển khai công tác lập quy hoạch và DĐĐT tạo tiền đề thuận lợi để các xã triển khai 19 tiêu chí xây dựng NTM. Hiện nay, huyện đã hoàn thành phê duyệt đề án xây dựng NTM ở 14 xã. Đối với các xã còn lại, huyện chỉ đạo vừa triển khai lập quy hoạch xây dựng NTM, vừa tiến hành DĐĐT. Phấn đấu đến hết năm 2012, toàn huyện sẽ hoàn thành việc DĐĐT.
Tuy nhiên, theo ông Trương Thế Cầu, khó khăn nhất trong xây dựng NTM ở Phú Xuyên hiện nay là huy động nguồn lực đầu tư. Riêng kinh phí xây dựng NTM ở xã điểm Đại Thắng là 237,234 tỷ đồng, 14 xã giai đoạn 1 khoảng 4.122 tỷ đồng. Ngoài tỷ lệ phân cấp vốn theo quy định, việc huy động nguồn lực xây dựng NTM tại huyện chủ yếu thông qua đấu giá đất, xã hội hóa... Hiện nay, địa phương đã chọn một số điểm tổ chức đấu giá đất tập trung, tuy nhiên do thủ tục triển khai phức tạp, cộng với gần đây thị trường bất động sản đóng "băng" nên huyện lo ngại là tổ chức đấu giá đất không có người tham gia hoặc giá quá thấp. Ngoài ra, năng lực và trình độ cán bộ chỉ đạo xây dựng NTM tại cơ sở còn yếu; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM còn hạn chế, có tư tưởng trông chờ vào Nhà nước; việc triển khai chương trình xây dựng NTM ở một số xã còn lúng túng, thiếu quyết tâm; các giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa chưa được chú trọng… là rào cản khiến tiến độ xây dựng NTM tại Phú Xuyên còn chậm và hiệu quả chưa cao.
Huyện Phú Xuyên xác định việc cần làm ngay trong xây dựng NTM là tập trung DĐĐT, tạo điều kiện cho quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Nâng cao nhận thức cho người dân để người dân phát huy vai trò là chủ thể trong xây dựng NTM. Gắn chương trình xây dựng NTM với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Theo đó, mỗi hộ dân phải có ý thức bảo vệ môi trường, giữ vệ sinh sạch sẽ từ nhà mình ra đến ngõ. Việc cưới, việc tang, lễ hội... phải thực hiện đúng theo nếp sống văn hóa mới.