Đâu là “nút thắt” ?

Công nghệ - Ngày đăng : 07:08, 18/11/2011

(HNM) - Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ (KHCN) thiếu cả về chất và lượng; thiếu sự phối kết hợp giữa thành phố và cơ sở. Việc chỉ đạo triển khai các cơ chế, chính sách đã ban hành còn chậm… là những gì được Sở KHCN Hà Nội đưa ra khi nhận xét về hoạt động KHCN ở quận, huyện hiện nay.


Dấu hiệu khởi sắc

Ngày 18-6-2008, Bộ KHCN và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 05/TTLT/BKHCN-BNV "Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về KHCN thuộc UBND cấp tỉnh, huyện". Theo đó, mỗi quận, huyện, thị xã (cấp huyện) sẽ được bố trí 1-2 cán bộ chuyên trách về KHCN. Bộ phận này có nhiệm vụ phát triển phong trào lao động sáng tạo, phổ biến, lựa chọn các tiến bộ KHCN, các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất để áp dụng tại địa phương, tổ chức thực hiện các dịch vụ KHCN trên địa bàn.


Đưa KHCN về địa phương sẽ góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo thu nhập ổn định cho người dân.    Ảnh: Đình Na

Theo TS Lê Xuân Rao (Giám đốc Sở KHCN Hà Nội), ngay năm 2009, Hà Nội là một trong số ít địa phương đầu tiên của cả nước mạnh dạn bố trí biên chế cán bộ chuyên trách KHCN cho cấp huyện. Hiện tại, 29/29 huyện đã có cán bộ chuyên trách về KHCN. 100% quận, huyện thị xã đã thành lập Hội đồng KHCN. Sau 3 năm triển khai công việc trên, hoạt động KHCN cấp huyện có dấu hiệu khởi sắc.

Từ năm 2010 đến nay, có 4 đề tài nghiên cứu khoa học của quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, huyện Sóc Sơn và Thanh Trì được triển khai. Các đề tài này đều có tính ứng dụng thực tiễn cao và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn tại địa phương. Năm 2010, Sở KHCN đã bàn giao kết quả đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho các đơn vị trên địa bàn. Dự kiến tháng 12-2011, Sở KHCN sẽ bàn giao đề tài "Tuyển chọn giống, hoàn thiện công nghệ sản xuất và phát triển giống lúa cẩm (lúa đen) theo hướng sản xuất hàng hóa" cho huyện Ba Vì và đề tài "Nghiên cứu thực trạng một số yếu tố liên quan đến bệnh sán lá gan lớn và đề xuất biện pháp can thiệp phòng chống" cho các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức.
Đáng lưu ý là sự phối hợp giữa Sở KHCN và UBND các quận, huyện, thị xã về công tác kiểm tra trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã được đẩy mạnh. Trong hai năm 2010-2011, đã phối hợp kiểm tra được 54 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, kiểm tra hàng đóng gói và nhãn hàng hóa được 56 cơ sở và 17 công ty điện, hợp tác xã quản lý điện trên các địa bàn. Trong những đợt phối hợp kiểm tra này, Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng chỉ tư vấn và giúp về chuyên môn còn các công việc khác đều do cấp huyện đảm nhiệm và thực hiện rất tốt. Ngoài ra, Sở KHCN còn phối hợp với 12 huyện lắp đặt và duy trì 30 trạm cân đối chứng tại các chợ đầu mối phục vụ người tiêu dùng.

Những "nút thắt" cần khai thông

TS Lê Xuân Rao cho biết thêm, nhu cầu nghiên cứu KHCN cấp cơ sở rất lớn, đặc biệt là các đề tài hướng tới giải quyết các vấn đề bức xúc từ thực tiễn. Tuy nhiên, công việc này thời gian qua chiếm tỷ trọng thấp, ở quy mô hẹp với nội dung chủ yếu giải quyết các vấn đề liên quan đến thực hiện các chính sách, các vấn đề về văn hóa, xã hội tại địa phương. Những đề tài về KHCN ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế địa phương rất ít. Nguyên nhân chính là do năng lực của một số cán bộ cấp huyện chưa đáp ứng nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu và nghiên cứu khoa học. Họ cũng không có thời gian dành cho nghiên cứu trong khi các tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, kỹ thuật hạn chế nên ít quan tâm đến hoạt động này.

Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, thời gian tới các huyện sẽ tập trung vào việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KHCN vào lĩnh vực cây trồng, vật nuôi, thủy sản ở tất cả các khâu giống, công nghệ nuôi trồng, chế biến, bảo quản và thương mại. Hoạt động KHCN cũng sẽ ưu tiên cho xây dựng nhãn hiệu tập thể, thương hiệu cho các sản phẩm truyền thống, các sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm... Riêng với địa bàn các quận sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường KHCN, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KHCN vào sản xuất, kinh doanh và dịch vụ...

TS Đào Duy Tâm (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội) cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động KHCN cấp huyện thời gian tới là cần nghiên cứu ứng dụng KHCN nhằm đổi mới quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất để thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã. "Đề nghị thành phố, Sở KHCN xây dựng chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội. Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư kinh phí cho ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đưa các tiến bộ kỹ thuật đến được với nông dân" - ông Tâm đề xuất.

Có thực tế không chỉ Hà Nội gặp phải khi bố trí cán bộ chuyên trách KHCN về cấp huyện là lực lượng này sẽ làm gì khi ở cấp này đã có một (hoặc đủ cả) các trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Nếu phân cấp không tốt sẽ dẫn đến tình trạng chồng chéo, lấn sân nhau. Thực trạng đó là có thật nếu như KHCN cấp huyện không nghiêng về các lĩnh vực như: An toàn bức xạ (với nhiều bệnh viện, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có trang thiết bị liên quan đến nguồn phóng xạ); sở hữu trí tuệ (quy định về nhãn hiệu hàng hóa trên địa bàn); đo lường, chất lượng (phối hợp với các ban, ngành quy định chất lượng hàng hóa sản xuất và xuất khẩu trên địa bàn; phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng)… Đấy rõ ràng là những "nút thắt" cần khai thông để công tác KHCN cấp huyện đạt được hiệu quả như ý tưởng đề ra.

Trà My