Tăng cường hợp tác ASEAN và liên kết với các đối tác
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:31, 18/11/2011
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh chung với các trưởng đoàn.
Ảnh: Đức Tám – TTXVN
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nêu bật những kết quả tích cực trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, triển khai Kết nối ASEAN, liên kết khu vực, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ của ASEAN với các đối tác, cũng như duy trì vai trò trung tâm của Hiệp hội trong cấu trúc đang định hình…
Sau lễ khai mạc, lãnh đạo các nước ASEAN đã tiến hành phiên họp toàn thể để bàn về tăng cường hợp tác xây dựng Cộng đồng, triển khai Kết nối ASEAN và mở rộng quan hệ đối ngoại của Hiệp hội. Phát biểu tại phiên toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các nước trong khu vực cần có quyết tâm chính trị cao và dành nguồn lực cần thiết để thực hiện đúng lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột. Theo đó, cần xác định rõ các mục tiêu ưu tiên cho từng năm, trong từng lĩnh vực, đồng thời nâng cao hiệu quả điều phối và giám sát thực hiện ở cả cấp độ quốc gia và khu vực trên cơ sở các chương trình, kế hoạch đã đề ra… Trên cơ sở kiểm điểm hai năm thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tăng cường hơn nữa hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong 14 lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục duy trì, củng cố đoàn kết và thống nhất trong ASEAN; phát huy hiệu quả các công cụ và cơ chế hợp tác chính trị - an ninh của ASEAN nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh và thúc đẩy hợp tác phát triển ở khu vực, đồng thời tăng cường vai trò chủ đạo của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị ASEAN tiếp tục tăng cường hợp tác và đầu tư thích đáng cho các lĩnh vực như thu hẹp khoảng cách phát triển, an ninh năng lượng, lương thực, cũng như tăng cường hợp tác nhằm xử lý hiệu quả các thách thức đang nổi lên, kể cả biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải, môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên nước trên các dòng sông, nhất là Mekong, một cách hợp lý để từ đó góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và đồng đều ở khu vực.
Về Kết nối ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ việc thực hiện đầy đủ Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết năm 2015; tiếp tục coi đây là ưu tiên hàng đầu trong hợp tác ASEAN cũng như trong hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác. Triển khai hiệu quả các thỏa thuận, cam kết về tự do hóa, thuận lợi hóa về giao thương hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và giao lưu con người...
Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiến nghị tiếp tục tăng cường các quan hệ đối tác và tạo điều kiện cho các đối tác tham gia sâu rộng hơn và đóng góp tích cực vào việc xử lý các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực cũng như hỗ trợ mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN; bảo đảm thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động đã đề ra với từng đối tác, đồng thời sớm hoàn tất nghiên cứu, xây dựng nội hàm và định hướng nâng cấp quan hệ với các đối tác, trong đó có việc nâng lên tầm đối tác chiến lược quan hệ của ASEAN với Mỹ và Ấn Độ…
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam khẳng định hòa bình, ổn định ở Biển Đông, trong đó có vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải là lợi ích chung của khu vực và tất cả các nước; các bên liên quan cần giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển năm 1982; bảo đảm tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); trong giải quyết tranh chấp, vấn đề nào chỉ liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, vấn đề nào liên quan đến nhiều bên thì phải được giải quyết giữa các bên có liên quan.
Họp với đại diện Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC), các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao hoạt động và đóng góp của ASEAN-BAC trong năm vừa qua, đặc biệt trong nỗ lực thúc đẩy hội nhập khu vực tư nhân vào các hoạt động xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cũng như đóng góp của các doanh nghiệp vào việc tăng cường xây dựng Cộng đồng Kinh tế, liên kết ASEAN.
Ngay sau phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN chứng kiến lễ ký Hiệp định về thành lập Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo đối với quản lý thiên tai và Tuyên bố ASEAN về đoàn kết trong đa dạng văn hóa: Tiến tới củng cố Cộng đồng ASEAN.
*Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Thongsing Thamavong. Tại cuộc gặp, hai bên thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước và bày tỏ vui mừng trước những phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước trong thời gian qua cũng như phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Hai bên trao đổi và nhất trí sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong Năm Hữu nghị Việt Nam - Lào 2012, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào. Hai thủ tướng cũng khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong hợp tác khu vực như ASEAN và Tiểu vùng Mekong, cùng các nước trong khu vực bảo đảm sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.
*Chiều 17-11, lãnh đạo các nước ASEAN đã ký Tuyên bố Bali về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu, hay còn gọi là Hiệp ước Bali III. Hiệp ước Bali III quy định về một ASEAN liên kết và hợp tác chặt chẽ hơn đối với các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, thúc đẩy hơn nữa tiếng nói chung của ASEAN tại các diễn đàn quốc tế liên quan; một ASEAN với năng lực được tăng cường nhằm đóng góp, ứng xử với các vấn đề toàn cầu chủ chốt cùng quan tâm vì lợi ích của tất cả các nước thành viên và một Ban Thư ký ASEAN được tăng cường năng lực thực thi. Với những đặc điểm đó, các nước ASEAN cam kết cùng tiến hành hợp tác ở cấp độ khu vực, toàn cầu trên nhiều lĩnh vực.
*Tại phiên họp kín ngày 17-11 trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN-19, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã thống nhất: Myanmar giữ chức Chủ tịch khối này năm 2014.