Kêu gọi sự chú ý đến vấn đề làm giả phần mềm trên toàn cầu và VN

Xe++ - Ngày đăng : 17:18, 17/11/2011

(HNMO) - Ngày 17/11, Microsoft tổ chức sự kiện thường niên mang tên“Ngày của sân chơi bình đẳng”, kêu gọi sự chú ý đến vấn đề làm giả phần mềm trên toàn cầu. Sự kiện này giới thiệu những công nghệ mới ngăn chặn việc làm giả, các hoạt động và nguồn lực giáo dục nhằm giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của chính họ.

Thông qua sự kiện này, Microsoft chỉ ra những nguy cơ của việc sử dụng các phần mềm không chính hãng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho công việc hàng ngày, ảnh hưởng lớn đến năng suất của các doanh nghiệp nhỏ và nền kinh tế của các nước mới nổi. Microsoft khẳng định cam kết luôn ủng hộ các chính phủ khi họ muốn thực thi luật pháp tại nước họ.

Ông Jamie Happer, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết: “Người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới đang gửi ngày càng nhiều lời phàn nàn về phần mềm giả đến Microsoft. Họ hỏi liệu họ có thể làm gì hoặc chúng tôi có thể giúp gì nhằm bảo vệ họ khỏi các nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng khi họ bị rò rỉ thông tin cá nhân, hay những thiệt hại tài chính, hoặc mất uy tín. Do đó, họ muốn ban ngành liên quan và Chính phủ phải đứng lên và hành động chống lại vấn nạn sao chép lậu nhằm nâng cao độ bảo mật tốt hơn và tạo ra môi trường lành mạnh hơn”.


Ảnh minh họa.

Microsoft đang hợp tác với các Chính phủ và các nhà chức trách về những cải tiến pháp lý nhằm hạn chế phần mềm lậu và giúp giảm thiểu các nguy cơ mà phần mềm không hợp pháp gây ra cho người tiêu dùng. Hàng năm, Microsoft đầu tư những khoản tiền khổng lồ vào những công nghệ mới hay đưa ra hệ thống thông tin bổ trợ, thông qua đây giúp người tiêu dùng bảo vệ chính họ nhằm khiến cho việc làm giả phần mềm gặp nhiều khó khăn hơn. Microsoft cũng nỗ lực hỗ trợ các Chính phủ giúp nỗ lực thi hành luật pháp chống lại những tổ chức/ cá nhân làm giả phần mềm và đưa ra trước công lý. Bằng việc công bố những dữ liệu mới cùng với việc tổ chức “Ngày hành động vì người tiêu dùng” hàng năm, Microsoft muốn nhấn mạnh vào những nỗ lực nhằm giảm thiểu nạn sử dụng phần mềm trên toàn thế giới.

Những thiệt hại lớn của việc dùng phần mềm bất hợp pháp và những con số ...

Nguy cơ ngày càng tăng của phần mềm bất hợp pháp đang là vấn nạn tại không chỉ quốc gia đơn lẻ nào. Hậu quả của việc sử dụng phần mềm lậu không chỉ dừng lại ở những mã độc và virus, mà còn ảnh hưởng đến sự cạnh tranh tại địa phương, phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm.

Trong báo cáo phần mềm bất hợp pháp năm 2010 của BSA/IDC có đến 59% người sử dụng máy tính cá nhân trên toàn cầu nói rằng việc bảo vệ quyền SHTT mang lại lợi ích cho kinh tế địa phương, và 61% người dùng trên toàn cầu cho rằng việc tuân thủ quyền SHTT tạo ra việc làm. Tỉ lệ vi phạm phần mềm trên toàn cầu là 42%, giảm từ 43% trong năm 2009. Tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại các nước đang phát triển cao gấp 2.5 lần so với các nước phát triển, và giá trị thương mại của phần mềm bất hợp pháp (31,9 tỉ đôla Mỹ) chiếm hơn một nửa tổng giá trị trên thế giới.

Tại Việt Nam, tỉ lệ vi phạm bản quyền đứng thứ 16 trong năm 2010, chiếm 83% và tổng giá trị thương mại của phần mềm bất hợp pháp ước đạt khoảng 412 triệu đôla Mỹ. Việt Nam được xem là thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực, vì vậy, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao thực sự gây thiệt hại lớn cho đất nước.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, công ty VMG chia sẻ: “Thực tế, SHTT là một vấn đề vô cùng quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng thành công, phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Chúng ta nên có tầm nhìn đúng đắn về sự quan trọng của SHTT,đặc biệt khi Việt Nam gia nhập sân chơi quốc tế. Thứ nhất, SHTT quan trọng đối với cả người tiêu dùng lẫn xã hội. SHTT không những giúp bảo vệ người tiêu dùng khỏi các thiệt hại do những sản phẩm bất hợp pháp gây ra, mà còn ủng hộ sự phát triển của dòng chảy liên tục các sản phẩm phần mềm cải tiến và mang tính cạnh tranh, đưa ra các sản phẩm, dịch vụ phục vụ lợi ích người tiêu dùng. Thứ hai, SHTT quan trọng đối với sự phát triển và tăng trưởng kinh tế vì SHTT khuyến khích đầu tư từ nước ngoài. Thứ ba, SHTT cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cải tiến và nâng cao tính cạnh tranh của các quốc gia vì SHTT khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, phổ biến kiến thức và văn hóa, đẩy mạnh phát triển và chuyển giao công nghệ. Và nhiều công nghệ quan trọng trong tương lai sẽ phụ thuộc vào các chính sách khuyến khích SHTT ngày nay. Tôi cũng như các doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc chính phủ ban hành các chính sách, đẩy mạnh việc thực thi luật SHTT”.

Theo kết quả nghiên cứu của Frontier Economics được công bố trong Hội nghị Toàn cầu năm nay thì hậu quả kinh tế, xã hội của phần mềm bất hợp pháp sẽ gây ra thiệt hại 1,7 nghìn tỉ USD vào năm 2015 và đẩy 2,5 triệu người có việc làm hợp pháp vào nguy cơ mất việc mỗi năm.

Tập đoàn IDC ước tính rằng nếu tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính giảm 10% trong bốn năm tới thì sẽ tạo ra 142 tỉ USD cho các hoạt động kinh tế mới, tạo thêm gần 500.000 việc làm công nghệ cao, và thu được gần 32 tỉ USD doanh thu thuế. Lực lượng lao động trong ngành IT theo ước tính vào năm 2013 sẽ tăng thêm 5,5 triệu việc làm mới, có kỹ năng và được trả lương cao. Theo nghiên cứu tiến hành tại 42 quốc gia, các công ty CNTT và nhân viên trả gần 1,2 nghìn tỉ USD tiền thuế vào năm ngoái.

Báo cáo Ảnh hưởng kinh tế xã hội toàn cầu của nạn sao chép và vi phạm bản quyền cũng ước tính rằng nền kinh tế thế giới sẽ bị thiệt hại 1,7 nghìn tỉ USD vào năm 2015. Các nền kinh tế của khối G20 sẽ mất khoảng 77,5 tỉ USD doanh thu thuế và 2,5 triệu việc làm do nạn sao chép lậu và vi phạm bản quyền gây ra.

L.H