Nhân công giá rẻ: Lợi thế hay lực cản?
Kinh tế - Ngày đăng : 07:13, 17/11/2011
Vì thế, lợi thế về nhân công giá rẻ rất dễ trở thành lực cản cho sự phát triển trong tương lai. Đây là đánh giá trên cơ sở kết quả nghiên cứu "Thiếu hụt lao động kỹ năng ở Việt Nam" do Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Tập đoàn Manpower tiến hành mới đây.
Kết quả khảo sát tại 6.000 doanh nghiệp thuộc 9 lĩnh vực kinh tế tại 9 tỉnh, thành phố có thị trường lao động sôi động nhất ở Việt Nam cho thấy, các DN đánh giá chất lượng LĐ Việt Nam nằm trong nhóm 10% thấp nhất của khu vực. Có 1/4 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng người LĐ thiếu hiểu biết về công nghệ và khả năng sáng tạo; 1/5 nhận xét người lao động thiếu khả năng thích nghi với công nghệ mới; 1/3 doanh nghiệp không tìm được LĐ có kỹ năng mà họ cần; 2/5 giám đốc điều hành gặp khó khăn trong tuyển dụng LĐ. Tại một số ngành như chế biến thực phẩm, y tế, xây dựng, vận tải, hóa chất, dệt có tình trạng LĐ thiếu hụt kỹ năng nghiêm trọng... Ở cấp độ quản lý, các kỹ năng mà người LĐ còn thiếu bao gồm: Ngoại ngữ, vi tính, hiểu biết về tài chính, khả năng sáng tạo và tạo động lực cho người khác. Chính vì thế, ông David Arkless - Chủ tịch Tập đoàn Manpower khẳng định, lợi thế về chi phí nhân công thấp khi hoạt động tại Việt Nam đang dần mất đi sức hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, ông Lee Chon-kin - Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết thêm, tình trạng thiếu LĐ có kỹ năng là một trong những nguyên nhân khiến một số công ty Hàn Quốc không thể nâng cấp nhà xưởng, máy móc tại Việt Nam do không thể tuyển đủ kỹ thuật viên để vận hành máy.
Cảnh báo thiếu hụt LĐ có kỹ năng, PGS-TS Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội nhấn mạnh, nguyên nhân là do chương trình đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề còn nhiều bất cập. Có quá ít môn học gắn với những kỹ năng cần thiết cho người LĐ, trong khi lại thừa những nội dung chung chung. Hệ lụy khó tránh chính là nghịch lý rất nhiều người thất nghiệp không thể xin được việc trong khi không ít DN vẫn không thể tuyển được đủ người đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của DN.
Để giải quyết thực trạng trên, theo ông David, Việt Nam cần đầu tư mạnh cho dạy nghề cũng như cần lôi cuốn thanh niên vào các trường nghề nhiều hơn nữa. Bài học dễ thấy là kinh nghiệm của Thượng Hải (Trung Quốc) cách đây 5 năm, các DN tập trung đào tạo nghề cho người LĐ có tay nghề và kỹ năng lao động tốt, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Nhóm nghiên cứu khuyến nghị các DN cần hợp tác chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý nhà nước, các trường dạy nghề, cao đẳng và đại học để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện hiện nay, đồng thời đáp ứng được thách thức trong tương lai. Đồng thời, mỗi DN cần cải thiện môi trường làm việc của mình để nhân viên có cơ hội phát triển.