Còn đâu tính biểu tượng?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:22, 17/11/2011
Chỉ nghĩ về điều ấy thôi đã thấy rùng mình!
Chuyện không phải là ca sĩ Chế Linh hoặc cá nhân nào có thể và có quyền biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, bởi chính sách chung ở ta là không phân biệt đối xử. Vấn đề là cái "thánh đường nghệ thuật" ấy nên được dành cho những loại sự kiện nào, nghiêm trang và hàn lâm, chứ không phải bất kỳ điều gì hay bất kỳ ai có tiền bỏ ra cũng có thể vào nơi đã thành biểu tượng nghệ thuật hàn lâm và nghệ thuật kiến trúc của Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nói vậy là bởi Nhà hát Lớn Hà Nội có lịch sử một thế kỷ, kể từ khi ra đời đến nay đã mặc nhiên trở thành biểu tượng văn hóa - lịch sử Hà Nội, là nơi tổ chức những sự kiện lớn, có liên quan đến lịch sử cách mạng và sự hình thành Nhà nước Việt Nam, là nơi tổ chức những sự kiện nghệ thuật nghiêm túc, giàu tính trí tuệ chứ không phải chuyện đùa. Đối với ngành du lịch, Nhà hát Lớn Hà Nội là một trong những điểm đến được du khách thừa nhận, ghi nhớ. Người ta đến đó, cảm nhận sự tinh tế và sang trọng bậc nhất về kiến trúc cận - hiện đại, nghĩ về những gì lớn lao đã diễn ra ở đây chứ không phải những dòng nhạc ỉ ôi hay những màn hài kịch vụng về.
Rùng mình vì nhớ lại trong năm nay và vài năm gần đây, cái nơi đã thành biểu tượng ấy đón tiếp biết bao sự kiện không xứng tầm với nó. Ca sĩ thị trường trong và ngoài nước, có anh chị còn chưa hết ngơ ngác trước đám đông, có người chuyên những dòng nhạc não nề... vẫn chễm trệ trong Nhà hát Lớn Hà Nội. Đón họ là "dòng" khán giả riêng, có cả người sẵn sàng quần lửng, đội mũ, dép lê vào nhà hát. Nó không như những buổi hòa nhạc mà người xem, nếu không xúng xính xiêm y góp cho đêm diễn nghệ thuật thêm phần sang trọng thì tối thiểu cũng phải xỏ giày, "đóng thùng" kèm cái cà vạt mới dám ló mặt trước số đông…
Nhà hát Lớn Hà Nội, đâu như nằm trong số hai chục nhà hát danh tiếng trên thế giới này mà nếu đặt chúng cạnh nhau, người ta rất khó tìm ra sự lặp lại. Nó cũng như Nhà hát Bolshoi của Nga, vừa mở cửa trở lại sau gần chục năm trùng tu, với một bề dày lịch sử, nghệ thuật thuộc hàng số một. Ở cái nhà hát nổi tiếng nước Nga ấy, nhà quản lý cũng thuộc hàng kén khách, kén chương trình, đến nỗi ai là nghệ sĩ cũng ước ao một lần trong đời được biểu diễn trong đó. Ai được chọn cũng thuộc hàng đầu nghệ thuật, biết phải gắng gỏi cho xứng với niềm vinh dự. Bởi thế mà ngày Bolshoi mở cửa trở lại được loan tin khắp thế giới, đúng tầm biểu tượng nghệ thuật của một quốc gia.
Ít ngày nữa là Nhà hát Lớn Hà Nội kỷ niệm 100 năm có mặt trong đời sống văn hóa Thủ đô. Đấy là dịp không thể phù hợp hơn để cơ quan quản lý nhà hát siết lại quy chế và xây dựng kế hoạch khai thác sử dụng hiệu quả hơn công trình kiến trúc - thiết chế văn hóa đặc biệt này. Đã đến lúc rạch ròi mục đích sử dụng Nhà hát Lớn Hà Nội, quy định cụ thể những loại hình hoạt động được phép diễn ra ở đó. Không siết lại, thật khó giữ cho Nhà hát Lớn Hà Nội ý nghĩa biểu tượng văn hóa của Hà Nội, của quốc gia.