Thực hư chuyện “thánh vật” ở làng Vân Gia
Đời sống - Ngày đăng : 07:20, 16/11/2011
Cuộc sống của người dân Vân Gia vẫn diễn ra bình thường. Ảnh: Thu Hiền |
Không có chuyện "thánh vật" chết người
Khác hẳn với không khí "náo nhiệt" ở thị xã Sơn Tây khi người dân phải truyền tay nhau đọc những bài báo phô tô viết về những cái chết đầy bí ẩn, hoang đường, cuộc sống sinh hoạt của người dân Vân Gia vẫn diễn ra bình thường. Có mặt tại ngôi làng "ma ám" khi luồng dư luận sôi sục, chúng tôi thấy trẻ em vẫn đến trường đi học, người trong độ tuổi lao động vẫn ra đồng trồng hoa màu, người già vẫn đến nhà nhau thăm hỏi, chuyện trò, sinh hoạt trong các câu lạc bộ, tập thể dục rèn luyện sức khỏe. Chợ chiều chỉ với ít gian hàng nhỏ, bán những thức ăn thiết yếu mà vẫn tấp nập người mua… Tuyệt nhiên không thấy ai khóc lóc, cũng chẳng có ai kể về những cái chết thương tâm, ly kỳ như dư luận tô vẽ, chỉ đến khi được hỏi, họ mới nhớ lại.
Ông Phùng Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hưng cho hay: "Đúng là từ năm 2007 đến 2009, làng Vân Gia cũ (nay là các tổ dân phố 5, 6, 7, 8 và 9) có khoảng hơn 40 người chết, nhưng chủ yếu là người ở độ tuổi trung niên bị bệnh hiểm nghèo, người già, còn một vài thanh niên chết là do tai nạn. Con số này so với những năm trước có tăng nhưng so với số dân hơn 5.000 người thì không phải là quá nhiều, nhất là cuối năm 2007 có đợt rét đậm, rét hại kéo dài kỷ lục". Khẳng định điều ông Cường nói, ông Phùng Minh Sơn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi làng Vân Gia - người trực tiếp giải quyết nhiều trường hợp báo tử cho biết cụ thể hơn về nguyên nhân những cái chết. Chẳng hạn một trường hợp leo cây ngã chết mà dư luận cho rằng bị "thánh phạt", thực ra là người ấy leo cây dừa hái quả nhưng không có dây bảo hiểm. Trường hợp khác là một thanh niên trẻ đi xe máy, đâm vào đống đất ngã chết chứ không phải tự dưng lăn đùng ra chết giữa đường. Với một vài trường hợp khác, có người chết do bệnh tim, có người bị ung thư vòm họng, người thì bị cảm…
Nói về chuyện "thánh phạt", sư trụ trì chùa Vân Gia (còn gọi là Viên Quang tự) Thích Minh Tĩnh khẳng định: Thánh thần nếu có chỉ ban phước lành, bình an, may mắn đến cho dân chứ không bao giờ thần thánh cướp đi tính mạng những người dân hiền lành, vô tội. Vì thế, dù ở góc độ duy vật hay duy tâm không bao giờ có chuyện "thánh vật" chết người.
Đừng tuyên truyền cho mê tín dị đoan
Hai năm trở lại đây, Vân Gia không có những cái chết được cho là "bí ẩn", không mấy người nghĩ đến chuyện sắm bùa nả, cầu cúng, cũng không mấy ai tin rằng nguyên nhân của những cái chết do động long mạch khiến thánh thần nổi giận. Cho đến khi pho tượng đồng đức Phật Dược Sư được xác định là một trong ba pho tượng đức Phật tam thế - báu vật của chùa Vân Gia bị mất vào đêm 23-10 vừa qua, dư luận mới lấy việc mất tượng làm cái cớ để khơi lại những chuyện cũ và thổi vào đó sự bí ẩn, hoang đường. Những người dân ở đây cho biết, mất pho tượng quý thì nhân dân mong muốn tìm lại để phụng thờ chứ không hoang mang coi đây là "điềm gở" giáng xuống làng, càng không để những tin đồn, luồng dư luận không đúng của kẻ xấu làm ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của mình.
Thầy Thích Minh Tĩnh cho biết: Tượng đức Phật Dược Sư được tìm thấy trong lòng đất chùa Vân Gia khi đào móng tu bổ chùa năm 2006. Tượng cao 75,3cm, rộng vai 28cm, rộng chân đế 51cm, dày 43,5cm, nặng 81kg, bằng đồng thau, sơn thếp phủ hoàn kim cổ truyền. Từ đó đến nay, tượng được bảo quản tại chùa. Sau khi phát hiện mất tượng, nhà chùa và chính quyền địa phương đã trình báo với Công an thị xã Sơn Tây để điều tra. Cũng theo thầy Tĩnh, từ ngày phát hiện được pho tượng quý, nhân dân trong vùng, du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái, thưởng ngoạn nhiều hơn và đó cũng chính là lý do khiến dư luận cho rằng ngày càng có nhiều người dân Vân Gia đến chùa cầu bình an khi cái chết "đeo bám" dân làng. Trên thực tế, từ hôm pho tượng mất đến nay đã hơn 20 ngày, người Vân Gia vẫn sống bình yên.
"Không thể phủ nhận, một vài gia đình có người chết đã đi lễ bái và đeo bùa bình an, nhưng đó cũng là lẽ thường ở đời vì mỗi người có niềm tin của riêng mình. Không thể nhìn thấy một vài trường hợp mà đồn thổi rằng cả làng náo loạn, hốt hoảng vì ma ám. Hơn ai hết người Vân Gia hiểu rõ nguyên nhân những cái chết, trực tiếp chứng kiến những cái chết ở làng họ nên ít bị hoang mang còn bạn đọc, người nghe những tin đồn thất thiệt này sẽ không tránh khỏi hốt hoảng, nghi ngờ và khi có những cái chết bất đắc kỳ tử ở những địa phương nào đó thì nguyên nhân đầu tiên họ nghĩ đến sẽ là thánh vật. Vô hình trung, đây là hình thức tuyên truyền cho mê tín dị đoan" - Ông Chu Văn Quang, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hưng nói.
Mang câu chuyện làng Vân Gia đi hỏi một số nhà nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng dân gian, họ đều có chung câu trả lời ngắn gọn là không bao giờ có chuyện thánh thần vật chết dân lành, càng không có căn cứ khoa học để khẳng định việc mất pho tượng quý là điềm gở tiếp theo. Vậy là đã rõ, dư luận nên tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc, đừng vội vàng tin những lời đồn thổi khi không có cơ sở. Và thêm nữa, một vài phóng viên của tờ báo nào đó, cũng thật đáng phê phán khi quá vội vã đưa thông tin sai lệch, mang tính "câu khách" xung quanh sự kiện trên.