Giải bài toán quá tải taxi

Đời sống - Ngày đăng : 07:13, 16/11/2011

(HNM) - Với tình trạng

Xe taxi xếp hàng dài trên các tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh.


Thủ phạm gây ùn tắc giao thông

"Ra ngõ đụng taxi" - đó là câu cửa miệng của nhiều người dân sống ở trung tâm TP. Quả thực chưa bao giờ taxi lại phát triển nhanh như hiện nay. Mặc dù số lượng chỉ chiếm khoảng 2,6% trong số khoảng 500.000 ô tô các loại trên địa bàn TP, nhưng khảo sát thực tế các quận nội thành cho thấy, taxi chiếm tới 46% mật độ ô tô lưu thông trên đường. Trên các tuyến đường như Bùi Thị Xuân, Tôn Thất Tùng, Hai Bà Trưng, Pasteur, Nguyễn Thị Minh Khai, Cống Quỳnh, Nguyễn Trãi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trần Hưng Đạo, Sương Nguyệt Ánh… mật độ taxi lúc nào cũng dày đặc. Taxi còn biến lòng đường thành nơi đậu xe, gây cản trở giao thông. Taxi đã trở thành một trong những "thủ phạm" gây ùn tắc giao thông.

Từ năm 2007 đến 2009, TP có thêm 3 hãng taxi lớn được thành lập gồm Hoàng Long, Happy và Future Star, với khoảng 1.500 xe các loại. Các hãng taxi cũ như Vinasun, Mai Linh, Savico, Air Port... cũng không ngừng mở rộng quy mô khiến lượng taxi tại TP tăng đến chóng mặt. Hãng Vinasun mỗi năm đều có kế hoạch tăng đầu xe theo quý, cuối năm 2010 đã có trên 4.000 xe, trong khi Mai Linh cũng có khoảng 4.000 xe. Ngoài ra, theo ước tính của Hiệp hội Taxi, TP hiện có trên 2.000 taxi nhái, taxi "dù". Tổng cộng số taxi hoạt động trên địa bàn TP hiện vào khoảng gần 13.000 xe. Nếu tính bình quân mỗi xe chạy khoảng 120-140 km/ngày (kể cả chạy không và có khách), tổng số taxi của TP mỗi ngày sẽ vận hành khoảng 1,5-1,8 triệu kilômét.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Tạ Long Hỷ cho rằng, do điểm đậu xe taxi còn quá ít so với nhu cầu, trong khi biển báo hướng dẫn giao thông, vạch kẻ đường một số nơi chưa hợp lý nên nhiều tài xế taxi phải cho xe chạy lòng vòng để đón, trả khách, không những tăng chi phí xăng dầu còn tăng mật độ xe lưu thông, tăng ô nhiễm môi trường.

Thiếu tầm nhìn chiến lược

Trong quy hoạch phát triển GTVT đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 (đã được Chính phủ phê duyệt năm 2007), TP định hướng phát triển số lượng taxi dừng ở con số 9.500 xe (giai đoạn 2010- 2015) và 12.700 xe vào năm 2020. Song, đến đầu năm 2010, số taxi đăng ký đã vượt quá 12.500 xe, vượt 31% so với định hướng phát triển giai đoạn 2010-2015, đồng thời xấp xỉ "ngưỡng" của giai đoạn 2020 (12.700 xe). Trước sự gia tăng chóng mặt của xe taxi, tháng 6-2010, Sở GTVT đã quyết định tạm dừng cấp phù hiệu hoạt động taxi cho xe đăng ký mới, chỉ cho phép các đơn vị kinh doanh taxi thay thế một xe cũ bằng một xe mới. Theo Sở GTVT, việc tạm dừng cấp phép sẽ kéo dài đến khi UBND TP thực hiện xong quy hoạch cụ thể phát triển cho loại hình taxi.

Một số chuyên gia cho rằng, sự bùng nổ taxi cùng với việc TP thiếu những chính sách kiểm soát, thiếu quy hoạch, đầu tư xây dựng bến bãi dành cho taxi là nguyên nhân khiến nạn ùn tắc giao thông ngày càng thêm trầm trọng. Theo quy hoạch, TP phải dành 31ha làm bến bãi taxi, nhưng hiện mới xác định được quỹ đất khoảng 18ha và phần lớn nằm ở ngoại thành nên chưa thu hút được các nhà đầu tư.

Để giải quyết bài toán quá tải taxi của TP, Sở GTVT được giao nghiên cứu quy hoạch chi tiết cho loại hình phương tiện này, trong đó tập trung nghiên cứu làm rõ một số vấn đề như phát triển đô thị TP từng thời kỳ cần khống chế số lượng taxi dừng lại ở con số bao nhiêu? Xác định taxi là phương tiện vận tải công cộng hay cá nhân?... Trong khi chờ đợi những giải pháp chiến lược được đưa ra, mới đây Hiệp hội Taxi TP đã đề xuất TP bố trí một số tuyến đường có lưu lượng giao thông thấp, quy định làm nơi tạm dừng đỗ cho taxi nhằm hạn chế tình trạng chạy lòng vòng đón khách. Với những địa điểm thường tập trung đông khách ở một số thời điểm nhất định và chỉ diễn ra vài tiếng đồng hồ như quán bar, vũ trường, trung tâm tiệc cưới, cao ốc văn phòng... hiệp hội cũng đề xuất cho phép các đơn vị vận tải taxi đăng ký danh sách các điểm đưa - đón tập trung trên một số tuyến đường, đăng ký thời gian cần và đủ để phục vụ khách.

Đình Hiệp