Loay hoay xây dựng và bảo vệ thương hiệu

Kinh tế - Ngày đăng : 06:59, 16/11/2011

(HNM) - Hiện nước ta có trên 800 loại nông sản nổi tiếng, trong đó nhiều mặt hàng xuất khẩu chiếm vị trí thứ nhất, thứ nhì thế giới. Song cơ quan chủ quản, các doanh nghiệp và người sản xuất vẫn thờ ơ về thương hiệu, để đến khi nhãn hiệu đó


Huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương vốn nổi tiếng với vải thiều. Sản phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý vào năm 2003, nhưng ngay trong nước thì vải thiều Thanh Hà "rởm" cũng được bán tràn lan. Thậm chí thương lái các nước còn đến mua tại vườn và đóng nhãn mác luôn bằng tiếng nước họ rồi chuyển về nước. Gần đây, vụ việc cà phê Buôn Ma Thuột và nước mắm Phú Quốc bị Công ty Trung Quốc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý như thêm một hồi chuông cảnh báo. Nếu không sớm đòi lại thương hiệu, những mặt hàng nông sản chủ lực của chúng ta được biết tên qua các quốc gia khác. Tiếp đó là sự việc gây xôn xao cả nước về việc một số nông dân huyện Hàm Yên và Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang sản xuất đã trộn bùn, phân lân vào chè khô để tăng trọng lượng và mẫu mã đẹp. Khi được hỏi nguyên nhân vì sao làm vậy, người nông dân chất phác trả lời rằng làm vậy là do khách hàng ở nước láng giềng đặt hàng. Đáng buồn là sự việc được phát hiện từ thông báo ở quốc gia láng giềng, họ khuyến cáo với thế giới rằng "chè khô Việt Nam không an toàn" thì chính quyền mới biết. Tại Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất tại Thái Nguyên, đại diện tỉnh Yên Bái cho rằng, vấn đề của ngành chè đặt ra quan trọng hàng đầu là các địa phương cần tìm ra sản phẩm chủ lực, sớm đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, lấy lại tiếng "chè sạch", chất lượng cao cho Việt Nam.


Cà phê Buôn Ma Thuột bị mất thương hiệu là bài học kinh nghiệm cho việc bảo vệ thương hiệu.

Trước hàng loạt sự kiện mất nhãn hiệu, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận cho biết, tỉnh này đang làm việc với các công ty luật trong và ngoài nước để khẩn trương rà soát, làm thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm trái cây thanh long tại các thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới như Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước châu Âu để tránh bị mất thương hiệu như đã từng xảy ra với chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tại Trung Quốc.

Theo thống kê Bộ NN&PTNT, Việt Nam có khoảng 800 sản phẩm nông sản nổi tiếng ở hầu hết các địa phương. Nhưng đến nay, mới có 59 nhãn hiệu tập thể được cấp giấy chứng nhận và 24 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm nông sản nổi tiếng. Đồng thời, hiện có 53 sản phẩm nông sản được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.

Chung tay bảo vệ thương hiệu

TS Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp phải chủ động xác định, chọn các thị trường tiêu thụ lớn ở nước ngoài để đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình. Đây là điều mà các nước có thương hiệu nông sản mạnh thường làm. Để bảo vệ thương hiệu đề nghị Bộ NN&PTNT cần có chính sách hỗ trợ, tiêu chuẩn bảo hộ mang tính địa phương có lợi cho doanh nghiệp Việt nhưng vẫn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Bởi lẽ, hiện rất nhiều sản phẩm ngoại tràn lan trên thị trường trong nước. Đồng thời, Bộ NN&PTNT tổ chức tuyên truyền để các doanh nghiệp nắm rõ những yêu cầu từ thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Chẳng hạn, để thanh long vào được Hoa Kỳ, chúng ta cần tuân thủ quy trình sản xuất về khí hậu, phân bón, kiểm tra... Đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư cho các địa phương quy hoạch xây dựng vùng sản xuất tập trung, hướng tới chất lượng VietGap. Đẩy mạnh liên kết "bốn nhà" nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ.

Đặc biệt, người nông dân phải ý thức bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình. Sự kiện "chè bẩn" là do nông dân tự làm mất thương hiệu của chính mình chứ không phải chưa đăng ký hay bảo hộ nhãn hiệu. Thương hiệu sản phẩm là tất cả những gì doanh nghiệp đạt được như: danh tiếng, uy tín, thị trường, chất lượng sản phẩm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng mạng lưới bán hàng… Việc đăng ký, duy trì bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm chỉ là công việc đầu tiên, tạo điều kiện cần và là cơ sở ban đầu để xây dựng thương hiệu. Việt Nam cần nỗ lực xây dựng hình ảnh, thương hiệu nông sản của mình không chỉ ở các thị trường xuất khẩu thế giới mà ngay cả thị trường trong nước. Thương hiệu sản phẩm không chỉ dừng lại ở nhãn hiệu hay những chỉ dẫn địa lý, mà còn là chữ "tín" của các mặt hàng Việt Nam đối với người tiêu dùng.

Đào Huyền