Phải bỏ được độc quyền, dựa dẫm

Kinh tế - Ngày đăng : 06:50, 16/11/2011

(HNM) - Được thành lập với mục đích là công cụ giúp Nhà nước điều tiết và hướng dẫn nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, nhưng nhiều năm qua, khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang bộc lộ nhiều bất cập.


Nhiều DN đã đầu tư dàn trải ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, quản lý tài chính lỏng lẻo, làm thất thoát một lượng lớn NSNN. Tái cấu trúc khối DNNN đang là đòi hỏi bức thiết hiện nay nhằm tạo nền tảng để phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Đây cũng là vấn đề được đưa ra mổ xẻ tại hội thảo "Tái cấu trúc DNNN" do Bộ Tài chính tổ chức ngày 15-11 tại Hà Nội.


Sau một thời gian đầu tư ồ ạt, Tập đoàn Vinashin rơi vào tình trạng thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả, dẫn tới phải tái cấu trúc. 

Bức tranh ảm đạm

Thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2010, có 1.207 DNNN là công ty TNHH một thành viên, 1.900 DN do Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Theo Ban Cải cách và phát triển DN (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ), DNNN hiện chiếm 70% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội, 50% vốn đầu tư của Nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA. Mặc dù được nhận nhiều ưu ái của Nhà nước về vốn, đất đai và cơ chế ưu đãi song hiệu quả hoạt động của khối DN này lại chưa tương xứng với những đặc quyền được hưởng. Theo thống kê, chỉ tiêu hệ số thu nhập/tài sản (ROA) và hệ số thu nhập vốn cổ phần (ROE) của các TĐ, TCT lớn tại 3 khu vực: Nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN tư nhân lần lượt là: 20,8%, 21,7% và 15%. Như vậy, chỉ tiêu về hiệu quả kinh doanh của khối DNNN không chênh lệch lớn với khối DN tư nhân và thua xa DN thuộc khối FDI.

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố năm 2011 cho thấy, từ năm 2000, khu vực quốc doanh chỉ tạo ra 4 triệu việc làm (chiếm 9-10% tổng số việc làm toàn xã hội) và chỉ đóng góp vào GDP hằng năm ở mức khoảng 37-38%. Hằng năm có khoảng 12% DNNN thua lỗ trong sản xuất kinh doanh. Mức lỗ bình quân của một DNNN cao gấp 12 lần so với DN ngoài nhà nước. Năm 2008, các tập đoàn nhà nước đã đầu tư 117.000 tỷ đồng (tương đương 10% GDP) ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính. Tính riêng quý III, IV năm 2007 và quý I năm 2008, các tập đoàn đã đầu tư 23.000 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán, bất động sản và mở ngân hàng thương mại… Hệ quả là, số nợ của các đơn vị đã tăng cao gấp 10 lần so với trước đó.

Theo các chuyên gia kinh tế, khối DNNN đang ngày càng giảm sút hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính của nhiều đơn vị không bảo đảm yêu cầu an toàn. Khả năng sinh lời từ nguồn vốn Nhà nước của khối này cũng rất hạn chế và nhiều DN tiềm ẩn nguy cơ rủi ro và đổ vỡ.

Tái cấu trúc, cách nào hiệu quả?

Theo các chuyên gia kinh tế, vai trò của Nhà nước nói chung và DNNN nói riêng luôn chiếm một vị trí nhất định trong nền kinh tế và không bao giờ mất đi hoàn toàn. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ nên tập trung nắm giữ và thực hiện những khối công việc trọng yếu của nền kinh tế và chỉ làm những phần việc mà khối DN khác không thể làm được, qua đó tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển. Bên cạnh việc lựa chọn những lĩnh vực trọng điểm để nắm cổ phần chi phối, tỷ lệ vốn Nhà nước tại DN cũng chỉ nên ở một mức độ nhất định.

TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, tỷ lệ vốn sở hữu của Nhà nước tại DN chỉ nên ở mức 5 đến 20% là vừa đủ. Ngoài ra, nên tách bạch nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh doanh của DNNN, bởi mỗi DN không thể làm tròn cả hai "vai": vừa kinh doanh hiệu quả, bảo toàn và phát huy tốt nguồn vốn Nhà nước vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) lại cho rằng cần thay đổi ngay tư duy khi thực hiện tái cấu trúc DNNN. Quan trọng nhất là phải xóa bỏ tư duy độc quyền trong kinh doanh và tư tưởng ỷ lại, dựa dẫm vào ưu đãi của Nhà nước. Bởi chính những đặc quyền dành cho DNNN sẽ trở thành rào cản, làm giảm sức cạnh tranh của những DN này khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng với kinh tế thế giới. Khi các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam, nếu các DNNN không đủ sức đương đầu thì việc bị loại khỏi thị trường là điều tất yếu sẽ xảy ra. Việc thoái vốn khỏi các lĩnh vực nhạy cảm như: bất động sản, tài chính của khối DNNN cũng phải tính đến dù sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn.

TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội lưu ý 4 nguyên tắc khi thực hiện tái cơ cấu DNNN: thứ nhất là tôn trọng và vận dụng đầy đủ nguyên tắc của kinh tế thị trường. Hai là, không thực hiện tái cơ cấu DNNN vì thành tích hay phục vụ lợi ích nhóm. Trong quá trình tái cơ cấu, phải kiên quyết chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính. Cuối cùng là phải thực hiện nghiêm quyền và trách nhiệm của đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại DN nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch về tài chính…

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 9-2011, Chính phủ đã yêu cầu các TĐ, TCT nhà nước tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính; không đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực: tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán. Chính phủ yêu cầu các đơn vị đã đầu tư vào những lĩnh vực này phải sớm thoái vốn và tiến tới chấm dứt kinh doanh tại những lĩnh vực này. Đối với các TĐ, TCT làm ăn thua lỗ kéo dài, các bộ quản lý ngành phải kiên quyết xử lý và nghiên cứu mô hình quản lý TĐ, TCT theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ xây dựng Đề án sắp xếp, tái cơ cấu với từng TĐ, TCT Nhà nước. Với những chỉ đạo sát sao của Chính phủ, hoạt động của khối DNNN tới đây sẽ được sắp xếp, đổi mới phù hợp, qua đó nâng cao sức mạnh của những DN vốn được mệnh danh là "quả đấm thép" của nền kinh tế.

Hương Ly