Sôi nổi các hoạt động mừng Ngày Di sản văn hoá Việt Nam

Xã hội - Ngày đăng : 15:48, 15/11/2011

(HNMO) - Kỷ niệm ngày Di sản văn hoá VN, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức Hoạt động văn hoá từ ngày 18/11 đến 23/11/2011 tại 4 điểm: Đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào; Trung tâm Thông tin Phố cổ - 28 Hàng Buồm; Ngôi nhà Di sản - 87 Mã Mây và Đình Kim Ngân 42 - 44 Hàng Bạc, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.


Tại 28 Hàng Buồm sẽ diễn ra hoạt động văn hoá Trà Việt; Tại 87 Mã Mây sẽ giới thiệu phục chế đồ đồng Đông Sơn, Thanh Hoá; Tại 38 Hàng Đào, giới thiệu y phục cung đình của nghệ nhân Vũ Giỏi; Tại 42 - 44 Hàng Bạc giới thiệu triển lãm ảnh cổng xưa của họa sỹ, nhiếp ảnh gia Quách Đông Phương.

Giới thiệu y phục cung đình qua bàn tay của nghệ nhân Vũ Giỏi:
Ở Quất Đồng từ xưa tới nay, nghề thêu bằng phương pháp thủ công vẫn là nghề chủ yếu. Thêu là một nghề đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, đôi mắt tinh tường cộng với bộ óc tinh tế và đức tính cẩn thận, cần mẫn. Nhìn những người thợ làm việc, chúng ta có cảm tưởng họ rất nhàn nhã, nhưng thực ra đó là một nghề đòi hỏi sự bền bỉ và siêng năng. Những đức tính, năng khiếu là yêu cầu cơ bản đối với mỗi thợ thêu, nhằm tạo ra sản phẩm màu sắc và hoa văn trên nền lụa, vải.

Đến Quất Động hôm nay, hỏi đến nghệ nhân Vũ Giỏi không ai là không biết, bốn mươi tuổi đời, anh Giỏi đã có hơn 20 năm cầm kim thêu. Thời gian đã rèn rũa cho đôi bàn tay của anh trở nên thanh thoát và điêu luyện trong khi thêu, cùng với đó là sự say mê sáng tạo đã thôi thúc anh phải làm gì đó mang tính đột phá trong nghề thêu truyền thống này.

Cứ đi sưu tầm, tìm hiểu rồi ham, anh Giỏi đã bị những hoạ tiết trên y phục cung đình thu hút. Hơn chục năm trời tìm kiếm lời giải cho bài toán y phục cung đình, cùng với sự giúp đỡ của các nhà sưu tầm, nhà nghiên cứu cuối cùng anh đã phục dựng được thành công long bào thời Nguyễn. Anh tiếp tục nghiên cứu trang phục của các triều đại khác như Lý, Trần, Lê...và dự tính sẽ làm thành một bộ sưu tập trang phục các triều đại. Từ khi chuyển sang phục dựng y phục cung đình, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã kịp phục dựng hơn 20 bộ y phục cung đình. Đã từng mang các bộ y phục này đi triển lãm tại Festival Huế, triển lãm tại Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng dân tộc Hà Nội...

Giới thiệu phục chế đồ Đông Sơn: ngoài việc tái hiện lại không gian sống, nếp sinh hoạt và không gian văn hoá của người Hà Nội xưa, khách tham quan còn được trò chuyện, tiếp xúc với các nghệ nhân làng nghề Đông Sơn, Thanh Hoá để hiểu rõ thêm về nền văn hoá Đông Sơn.

Ngày nay, người thợ đúc đồng Đông Sơn đó sử dụng khá tốt kỹ thụât pha chế hợp kim nhằm tạo ra những sản phẩm như ý muốn. Từ kỹ thuật luyện kim thành thục đó cho phép người thợ đúc đồng xứ Thanh tạo nên một bộ sưu tập thật đa dạng từ công cụ sản xuất đến các tác phẩm nghệ thuật tạo hình với trình độ cao.

Trưng bày với chủ đề Cổng xưa của họa sỹ, nhiếp ảnh gia Quách Đông Phương:

Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng. Đó là nơi đất lề, quê thói, làng đã đủ tuổi để cất dựng nên một chiếc cổng. Dù to dù nhỏ, dù xây bằng gạch hay ghép đá, chiếc cổng làng chính là dấu ấn minh chứng cho một nếp làng bề thế, chỉn chu. Cửa nhà trong làng có thể xộc xệch, sơ sài; con người có thể lam lũ, nhếch nhác nhưng cổng làng thì phải đàng hoàng, chững chạc. Đơn giản chỉ bởi cổng làng là bộ mặt, là biểu tượng của làng quê, phần nào thể hiện được cốt cách của làng, tư chất của người dân trong làng.

Cổng làng là một trong những bộ phận cấu thành không thể thiếu của làng quê cổ truyền vùng Bắc Bộ. Cổng làng thường tập trung nhiều ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, chủ yếu là những vùng trồng lúa và có văn hoá làng xã. Có làng giàu, có làng khoa bảng, có làng nghề...tất cả những cái hay cái đẹp đều được các vị túc nho viết thành câu đối khắc trước cổng. Và đó là một phần của văn hoá làng.

Hoạt động "Văn hoá Trà Việt" làm sống lại cái hồn của Phố cổ Hà Nội thông qua một sinh hoạt văn hoá mang đậm nét Hà Thành của ông cha ta xưa và sự giao hoà với phong cách hiện đại ngày nay. Thấy được sự cảm nhận tinh thế trong nghệ thuật ẩm thuỷ của người Hà Nội, một thú vui tinh thần tao nhã của sỹ phu Bắc Hà. Đồng thời ,để du khách trong và ngoài nước hiểu hơn và thêm yêu Hà Nội thông qua phong tục tập quán cách sống, sinh hoạt giản dị nhưng sâu sắc tinh tế của người dân Hà Thành. "Trà dư tửu hậu", "Rượu ngâm nga, trà liền tay", "Bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhát trản trà..."

Hoạt động Văn hoá chào mừng Ngày Di sản văn hoá VN nói trên góp phần làm phong phú các sinh hoạt văn hoá truyền thông trong khu phố cổ Hà Nội và tăng thêm sức hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

H.Đ