Còn nan giải
Xã hội - Ngày đăng : 07:20, 15/11/2011
Xử lý rác thải và nguồn nước ô nhiễm theo phương pháp thủ công ở làng nghề Vạn Phúc. Ảnh: Bá Hoạt
Theo Bộ Công thương, các DNNVV còn hạn chế về tài chính, trình độ công nghệ thấp, tỷ lệ phát thải cao, suất tiêu hao tài nguyên lớn, trình độ và năng lực quản lý có hạn, phần lớn phân bố ở đô thị, xen lẫn trong khu dân cư, quy mô sản xuất hộ gia đình... do vậy, ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề "nóng". Cả nước hiện có khoảng 700 cụm công nghiệp dành cho DNNVV đang hoạt động, nhưng phần lớn đều thiếu hạ tầng môi trường cần thiết; khoảng 1.500 làng nghề, sản xuất công nghiệp đang dần thay thế làng nghề truyền thống, nhưng lại tồn tại xen kẽ với khu dân cư. Các làng nghề này đang là "điểm nóng" về gây ô nhiễm môi trường nhưng rất khó kiểm soát.
Dễ gây ô nhiễm môi trường nhất là ngành dệt may, da giày và điện tử. DN dệt may chủ yếu gây ô nhiễm nước thải, nhất là chất khử màu tại các công đoạn nhuộm và hoàn tất sản phẩm. Ngành da giày sử dụng nhiều chất độc hại, các chất chứa kim loại nặng, nhất là chất thải rắn khó phân hủy (cao su, vụn xốp, da…). Với ngành điện tử, phần lớn chất thải rắn xuất phát từ sản phẩm đã qua sử dụng, chứa chất độc nguy hại, kim loại nặng. Hiện tại, nước ta chưa có cơ sở chuyên xử lý chất thải điện tử.
Làm thế nào để quản lý rác thải đạt hiệu quả tại các DN? Các cơ quan chức năng đã đưa ra một số biện pháp mà các nước phát triển đã áp dụng, như vệ sinh, tiết kiệm, tái sử dụng, tái chế, quay vòng, sản phẩm xanh... Tuy nhiên, chính sách trong quản lý nhà nước mới là "nút thắt" của vấn đề rác thải tại DNNVV. Nhiều DN thừa nhận, khi giá nguyên, vật liệu ngày càng tăng cao, việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên trở thành vấn đề bức thiết. Giám đốc một DN sản xuất giày cho biết, vấn đề quản lý rác thải được công ty đặc biệt coi trọng, bởi ô nhiễm rác thải không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động và hiệu quả kinh tế của công ty. Song do cơ chế, chính sách, nhất là những chính sách với DNNVV, nên việc duy trì, quản lý rác thải tại công ty còn gặp nhiều khó khăn. Cùng quan điểm này, một giám đốc DN may mặc chia sẻ, các DN may mặc đều phân loại rác thải khá tốt, có kho chứa chất thải độc hại riêng, kho hóa chất riêng, nhưng các chính sách về bảo vệ môi trường của Nhà nước thay đổi liên tục, luật cũ thực hiện chưa xong, luật mới đã đến, khiến DN khó bắt kịp...
Thực tế cho thấy, một số chính sách bảo vệ môi trường của Nhà nước còn bất cập, chưa phù hợp với DNNVV, khiến cho vấn đề rác thải trở thành "gánh nặng" với DN. Việc ngăn chặn ô nhiễm rác thải từ DNNVV không chỉ là công việc của các DN, mà là của toàn xã hội, nhất là với các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Vì thế, xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh với các chính sách thông thoáng, minh bạch có thể áp dụng trong thực tế sẽ là cơ sở để cải thiện ô nhiễm môi trường từ các DN này.