Vượt qua nỗi đau tật nguyền

Giáo dục - Ngày đăng : 07:16, 15/11/2011

(HNM) - Năm nay là năm thứ 11 Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential đồng hành với Báo Hànộimới trong chương trình trao học bổng cho sinh viên khuyết tật vượt khó học giỏi. Bắt đầu từ số báo này, Hànộimới xin giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu.

Cô gái nhỏ bé giàu thành tích

Ấn tượng đầu tiên khi gặp Phan Thị Loan, lớp Kế toán 50A, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đó là một cô gái nhỏ bé. Loan chỉ cao 1m26, nặng 32kg nhưng ẩn sau vẻ bề ngoài đó là một ý chí, nghị lực hiếm có đã giúp em đạt nhiều thành tích trong học tập. 12 năm học là 12 năm Loan đạt danh hiệu học sinh giỏi ở trường, không những vậy, em còn "gặt hái" nhiều danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh. Lên đại học, xa quê hương, bố mẹ, người thân, sống ở Thủ đô, trong môi trường mới, dẫu còn nhiều bỡ ngỡ nhưng thành tích của em vẫn rất đáng nể với 3 năm liên tục nhận học bổng của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, điểm tổng kết trung bình luôn ở mức 8,8 điểm. Trong kỳ thi Olimpic do trường tổ chức, Loan đoạt giải ba và em đoạt cả giải nhì nghiên cứu khoa học của Khoa Kế toán. "Em bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố. Thỉnh thoảng thời tiết thay đổi là trong người em lại đau buốt. Với em, học dễ hơn đi, bởi dù hằng ngày đi từ ký túc xá lên giảng đường chỉ có vài trăm mét cũng khiến em phải thở dốc", Loan tâm sự.

Phan Thị Loan mang trên mình nỗi đau do di chứng của chất độc da cam.

Để có được bề dày thành tích học tập trên, Loan đã phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều. Em sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê Diễn Xuân, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Nhà có năm chị em gái, Loan là thứ tư. Cùng với chị cả và đứa em út bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, người em nhỏ bé, chân tay ngắn và nhỏ. Mỗi khi thời tiết thay đổi, chân tay đau nhức, em phải dùng thuốc hỗ trợ và ý chí để chống chọi với bệnh tật. Loan tâm sự: "Nhiều khi em cũng nản chí lắm, có lúc đã phải nghĩ đến chuyện bỏ học giữa chừng. Nhưng rồi thương bố mẹ vất vả kiếm tiền nuôi 5 chị em nên lại tự cân bằng và cố gắng học tập nhiều hơn". Cho các con ăn học nhưng bố mẹ Loan cũng không khỏi lo lắng, gia đình chỉ sống dựa vào đồng ruộng, nhiều lúc cái ăn cái mặc còn thiếu thốn, không biết việc học của các con kéo dài được bao lâu?

Không đầu hàng số phận

Đang tuổi ăn, tuổi lớn, vận động với bao trò chơi phát triển thể chất, ấy thế mà cuối năm học lớp 11, chàng trai Nguyễn Mạnh Cường, sinh năm 1990, quê ở xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang lại bị liệt do căn bệnh viêm cột sống dưới khớp, bị dính khớp háng. Cú sốc đầu đời quá lớn khiến Cường rơi vào trạng thái trầm cảm, không muốn sống. "Em được bố mẹ đưa đi chữa trị khắp nơi, từ bệnh viện huyện, tỉnh đến trung ương nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm, thậm chí còn nặng hơn. Bệnh viện Bạch Mai đã trả em về vì không thể chữa trị được. Lúc đó em thấy cuộc sống với mình thật vô nghĩa", Cường tâm sự.

Nguyễn Mạnh Cường quyết tâm trở thành kỹ sư công nghệ thông tin.

Sau cú sốc quá lớn, dần dà với sự quan tâm, chăm sóc tận tình của bố mẹ và sự động viên an ủi của bạn bè, người thân, Cường tĩnh tâm lại. Câu nói của người bạn: "Cứ chăm chăm nhìn vào cánh cửa hạnh phúc đóng lại mà không biết có những cánh cửa hạnh phúc khác đang mở ra" khiến em suy nghĩa. Sau nhiều đêm trằn trọc, quyết không chịu đầu hàng số phận, em cố gắng đứng dậy, vịn cầu thang tập đi, leo lên chỗ cao nhất để nhìn xung quanh. Bằng sự nỗ lực phi thường, hơn một năm sau kể từ ngày phải nằm một chỗ, em đã trở lại trường lớp với một chân không còn lành lặn và những bước đi khó nhọc...

Dù mang trong mình bệnh tật, nhưng ý chí đã hun đúc Cường trở thành một chàng trai đầy bản lĩnh. Học hết lớp 12, em thi đỗ vào Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nuôi ước mơ trở thành kỹ sư lập trình, em đã phải vượt qua những lúc bi quan, mặc cảm và cả những cơn đau đớn để hoàn thành tốt chương trình học tập. Năm học đầu tiên em đạt loại khá và được học bổng của nhà trường. Năm học này, ngoài việc học ở trường lớp, chàng sinh viên CNTT4 - K55 này còn học thêm các khóa đào tạo kỹ năng sống, tham gia các hoạt động của CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội. Đặc biệt, Cường cùng một số sinh viên khuyết tật khác đang chuẩn bị thành lập CLB Sinh viên khuyết tật Trường Đại học Bách khoa, tạo sân chơi cho sinh viên khuyết tật của nhà trường chia sẻ với nhau, giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống.

Vân Nga