Niềm tự hào của các nhà giáo Hà Nội
Giáo dục - Ngày đăng : 07:02, 15/11/2011
Những tấm gương mẫu mực
Nhắc đến cô giáo Nguyễn Thị Kim Phượng (Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Xuyên), hẳn không ít thế hệ học trò quý trọng, đồng nghiệp cảm mến. Gần 30 năm làm công tác chủ nhiệm, gắn bó với nhiều hoàn cảnh HS nghèo khó, bệnh tật, dù bản thân gia đình không mấy khá giả, song cô đã tự mình xoay xở, hỗ trợ không ít HS, kéo các em trở lại lớp học với nghị lực mạnh mẽ và ý chí quyết tâm chiến thắng khó khăn. Em Nguyễn Thị Thanh Bình là một trong số hàng chục HS đã được cô cưu mang, giúp đỡ như thế. Nhà Bình nghèo, bố bỏ đi, mẹ luôn đau ốm, cô Phượng đã mua thuốc chữa bệnh cho mẹ em, hỗ trợ em một phần học phí. Trước ý định xin nghỉ học của Bình khi nhà quá nghèo, lại xa, cộng thêm nỗi khốn cùng khi bị mất xe đạp, cô Phượng đã mua tặng em chiếc xe đạp mới. Cảm động trước tấm lòng của cô, Bình đã cố gắng học tập tốt. Khi ra trường, Bình lại được cô hỗ trợ tiền đi học nghề. Đến lúc lập gia đình, cô vẫn luôn là người mẹ, người chị sát cánh bên em, giúp em có được cuộc sống ổn định. Nay, Bình đã trở thành đảng viên, làm Phó Bí thư Đoàn xã và đang theo học ĐH. Nói về cô giáo của mình, Bình không hỏi xúc động: "Hạnh phúc này có sự vun đắp, tạo dựng lớn lao từ tấm lòng nhân ái bao la của cô giáo Phượng của tôi".
Một giờ học của cô và trò Trường THCS Lê Quý Đôn. Ảnh: Linh Tâm |
Đó chỉ là một trong số hàng nghìn tấm gương nhà giáo Hà Nội mẫu mực của toàn ngành. Còn có biết bao nhà giáo khác vẫn đang ngày đêm miệt mài bên những trang giáo án, mày mò, sáng tạo với các phương pháp dạy học. Tiêu biểu trong phong trào thi đua "Hai tốt" là cô giáo Lê Thị Dung (Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) có nhiều thành tích trong giảng dạy, bồi dưỡng HS giỏi với 36 giải quốc gia, 6 giải quốc tế. Đó là các cô Đinh Mai Anh (THCS Nghĩa Tân), Nguyễn Thị Đông (THCS Trung Hòa) - quận Cầu Giấy - những giáo viên tiêu biểu trong phong trào tự học, có nhiều sáng kiến trong giảng dạy… Và còn rất nhiều tấm gương nhà giáo chưa thể kể tên nhưng công sức, nhiệt huyết và lòng tận tụy của họ chắc chắn còn để lại trong lòng mỗi trái tim học trò khi theo học.
Nhìn về nơi khởi nguồn
Hà Nội là nơi khởi nguồn nhiều cuộc vận động (CVĐ) lớn có ý nghĩa nhân văn và tính xã hội sâu sắc, tác động tích cực đến chất lượng giáo dục và kỷ cương, nền nếp nhà trường. Một trong số đó là CVĐ Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm (sau này bổ sung thêm nội dung Dân chủ) - được phát động từ những năm 80 thế kỷ trước với mục tiêu nhắc nhở, định hướng cho mỗi giáo viên, mỗi nhà trường trong điều kiện dù khó khăn thế nào cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt. TS Nguyễn Tùng Lâm (nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội) nhớ lại: Có một câu chuyện mà tôi không thể quên về một cô giáo trường THPT đã tìm ra thủ phạm đốt pháo là 3 HS trong lớp, khiến 3 HS này bị đuổi học. Sau này, khi họp lớp, chỉ có 2 trong số 3 HS quay lại. Hỏi ra mới biết, em đó sau khi bỏ học đã bị bạn xấu lôi kéo và phải vào trường giáo dưỡng. Sự thật đó khiến cô giáo day dứt không nguôi. Sự nghiêm khắc cứng nhắc đã vô tình đẩy em vào vòng xoáy phức tạp của cuộc đời… Mỗi dịp tổng kết CVĐ là dịp các thầy, cô giáo chia sẻ biết bao câu chuyện về kinh nghiệm làm nghề, trong đó có những được - mất, những nỗi ân hận và cả niềm tự hào khi tự mình rút ra được bài học quý trong công tác giáo dục HS. Đó là những đòi hỏi thực tế của nghề khi mỗi nhà giáo không chỉ cần nhuần nhuyễn về chuyên môn, nghiêm túc trong công việc mà còn phải có tấm lòng nhân ái, biết lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm với hoàn cảnh của học trò.
Cụ thể hóa CVĐ "Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm", Hà Nội đã khởi xướng CVĐ "Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu HS nghèo, HS có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt". Sau thời điểm Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, số HS lên đến 1,5 triệu, trong đó không ít em có nguy cơ không thể đến trường, CVĐ đã trở thành một phong trào lớn mang ý nghĩa nhân văn, tạo hiệu quả xã hội. Ba năm gần đây, đã có hơn 18.500 lượt nhà giáo nhận đỡ đầu cho hơn 30 nghìn HS với số tiền gần 4 tỷ đồng, chưa kể quần áo, sách vở, đồ dùng… Nhiều thầy, cô giáo đã nhận học trò về nhà nuôi dưỡng, chăm chút như con đẻ và hỗ trợ đến khi các em có thể tự lập.
CVĐ xây dựng "Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - HS thanh lịch" cũng là một điểm nhấn của ngành giáo dục Thủ đô, làm chuyển biến về mọi mặt hoạt động ở các nhà trường. Khung cảnh trường lớp khang trang hơn; nền nếp học tập, làm việc kỷ cương hơn; đội ngũ nhà giáo ngày càng mẫu mực về phẩm chất, giỏi về chuyên môn, giúp HS dần nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của bản thân, từ đó có nhiều cố gắng trong học tập, rèn luyện. Thế nhưng, nói như Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ thì dạy học là một nghề cao quý, cũng là một nghề khó, bởi sản phẩm của nghề là "con người có học". Muốn làm nghề cho tốt, người thầy phải ngày càng hiểu biết, phải chuẩn mực, phải thực sự là tấm gương sáng. Vì vậy, mỗi nhà giáo Thủ đô cần không ngừng học tập, phấn đấu thường xuyên để xứng với trọng trách.
Thành tích nổi bật của ngành GD-ĐT Hà Nội năm học 2010-2011 - 130 HS THPT đoạt giải kỳ thi quốc gia, 9 HS đoạt giải quốc tế; xếp hạng tốt nghiệp THPT tăng 6 bậc so với năm trước (đạt 97,79%); 72 HS đỗ thủ khoa ĐH. - 2 trường được tặng cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ: THPT Thăng Long, Tiểu học Kim Liên (Đống Đa); 5 trường nhận Huân chương Độc lập hạng Ba: Mẫu giáo Mầm non B, THCS Đống Đa (Đống Đa), Tiểu học Lê Ngọc Hân (Hai Bà Trưng), Trung cấp Xây dựng Hà Nội, Trung cấp Nông nghiệp; 1 đơn vị và 5 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; 8 đơn vị và 12 cá nhân được tặng Bằng khen của Chính phủ… |