Lỗ hổng cần lấp đầy
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:56, 15/11/2011
Thực ra, đêm diễn của Chế Linh là một sự kiện văn hóa như trăm ngàn đêm diễn khác đã từng và sẽ còn diễn ra ở Thủ đô, chưa hẳn đã cần bàn luận nhiều đến thế. Nhưng đã bàn luận thì phải bàn luận cho ra lẽ. Theo suy nghĩ của không ít người, dù đã qua rồi nhưng sự kiện trên cũng là hồi chuông cảnh báo để các cơ quan quản lý rà soát lại, rút kinh nghiệm trong công việc của mình, có cái nhìn toàn diện về cái được cũng như cái chưa được trong quản lý các hoạt động nghệ thuật cả về mặt pháp luật, tâm lý công chúng và điều kiện xã hội hiện nay nếu muốn thoát khỏi tình trạng "lực bất tòng tâm" mà bất kỳ ai, ở bất cứ địa phương nào cũng có thể vướng phải.
Trước hết, việc dừng tiếp nhận biểu diễn đêm nhạc Chế Linh, theo lời ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội tại buổi họp báo ngày 7-11, không phải vì Chế Linh và khán giả mà vì sai phạm của Công ty Tổ chức biểu diễn Bích Ngọc. Tôi không phải là người yêu giọng hát Chế Linh, nhạc Chế Linh, thậm chí còn hơi ngạc nhiên vì không hiểu sao mà đến giờ vẫn còn nhiều fan hâm mộ giọng Chế Linh đến vậy, nhưng đó là sở thích riêng của tôi, không liên quan đến quyền biểu diễn của ca sĩ này. Khi một ca sĩ được cấp phép biểu diễn và thực hiện đúng pháp luật khi biểu diễn thì không ai có quyền ngăn cản. Vì thế cần loại bỏ dư luận rất không hay rằng ở đây có chuyện làm khó dễ cho ca sĩ. Chỉ còn vấn đề tổ chức biểu diễn thôi.
Cũng theo ông Phạm Quang Long, sai phạm của Công ty Tổ chức biểu diễn Bích Ngọc là đã tăng lượng băng rôn, phướn quảng cáo nhiều hơn rất nhiều mức cho phép (quy định chỉ có 15 băng rôn), treo băng rôn ở cả những nơi không được phép, nội dung chương trình trên băng rôn không phù hợp với giấy phép. Mục đích của việc không tiếp nhận biểu diễn này để các công ty khác lấy đó làm gương, góp phần đưa việc tổ chức biểu diễn ở Hà Nội vào trật tự, quy củ, tôn trọng pháp luật.
Nhưng mục đích này đã bị chính những hạn chế về mặt pháp lý trong quản lý nghệ thuật hiện hành cản trở. Theo quy định, công ty tổ chức biểu diễn vi phạm sẽ bị phạt, nhưng mức phạt hành chính cao nhất họ phải chịu chỉ là 11,5 triệu đồng, tương đương gần chục vé vào rạp trong khi vé bán ra đã tới số nghìn. Mức phạt quá nhẹ như vậy không đủ sức răn đe ai. Một vấn đề khác, cấm Công ty Tổ chức biểu diễn Bích Ngọc nhưng lại không cấm được các công ty biểu diễn khác mà Bích Ngọc sang nhượng quyền, thành ra cấm cũng bằng không. Thế là trước áp lực của khán giả, của dư luận báo chí, cơ quan quản lý lúng túng. Để đêm diễn có thể diễn ra theo kế hoạch, quy định xin phép tiếp nhận biểu diễn thông thường phải một tuần mới có phản hồi, nay một ngày cũng xong.
Vậy là chỉ một sự kiện đã phơi ra khá nhiều bất cập trong các quy định quản lý nghệ thuật biểu diễn, chưa kể hàng loạt vấn đề khác như nội dung biểu diễn, thù lao ca sĩ, chi tiêu tài chính, quảng cáo… trong một đêm diễn. Liệu đến bao giờ những vấn đề trên mới được giải quyết?