Dự luật giáo dục ĐH: Vừa “né” vừa “khung”

Giáo dục - Ngày đăng : 17:06, 14/11/2011

(HNMO) – Chiều 14/11, thảo luận ở hội trường về dự án Luật giáo dục đại học, đại biểu Nguyễn Ngọc Đáng (Bình Dương) nhận xét, dự thảo luật vừa né tránh vừa như luật khung, trong đó “né” nội dung quan trọng nhất là quy định về giao quyền tự chủ cho các trường.

“Nếu chúng ta làm luật theo kiểu cứ khó thì giao Thủ tướng, Chính phủ… hướng dẫn thi hành thì dễ quá… Có nhiều vấn đề nếu chúng ta thực hiện tốt những văn bản đã có thì tình hình không như hiện nay”, đại biểu Đáng nói.

Đại biểu Đáng cùng nhiều đại biểu khác cho rằng, quy định về giao quyền tự chủ cho các trường đại học chính là linh hồn của Luật giáo dục đại học, là bước đổi mới được kỳ vọng nhất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Do đó, một khi nội dung này chưa được giải quyết triệt để trong luật thì luật sẽ không đạt yêu cầu. Hơn nữa, đây là luật chuyên ngành, nên không thể quy định chung chung, mà cần chi tiết, cụ thể, để có thể đi vào cuộc sống ngay và phát huy hiệu quả, khắc phục những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực giáo dục đại học hiện nay.

Đại biểu Đáng đề nghị, giải pháp tốt nhất trước mắt là nên tiếp tục thực hiện các văn bản đã có về giáo dục đại học, dành hết tâm sức, có giải pháp quyết liệt để giải quyết thực tế. Từ đó, nâng dần chất lượng giáo dục đại học và rút ra những bài học kinh nghiệm, mô hình… để xây dựng bộ luật có chất lượng hơn và có sức sống lâu hơn. Nếu Quốc hội quyết tâm ban hành luật này thì nên có riêng một chương về tự chủ giáo dục đại học, trong đó nêu rõ lộ trình, tiêu chí, cơ sở… để được tự chủ.

Chia sẻ với đại biểu Đáng, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) cũng nhận xét, dự luật quá sa đà vào tiểu tiết, trong khi điều được nhiều người mong chờ nhất là cơ chế giao quyền tự chủ cho các trường lại chưa được giải quyết.

“Nếu đọc sơ qua thấy dự luật rất hay nhưng lại bị thắt chặt bằng cái sau cùng là giao Thủ tướng hay Chính phủ”, đại biểu Lan nói.


Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH được xem là "linh hồn" của Luật giáo dục ĐH


Đại biểu Lan cho rằng, giáo dục đại học mang tính đặc thù nên phải tạo điều kiện để các trường phát huy tính chủ động, sáng tạo. Tuy nhiên, dự luật vẫn cho phép Bộ GD&ĐT tiếp tục tham gia quá sâu vào hoạt động của các trường. Đặc biệt về tài chính, dự luật vẫn quy định khung học phí với các cơ sở công lập. Đây chính là sự cào bằng bởi mỗi trường có chuyên ngành, đầu tư khác nhau, mà chỉ có cơ sở đào tạo mới xác định được mức học phí như thế nào là phù hợp. Vì vậy, Nhà nước không nên cho phép các cơ sở đào tạo tư thục và liên kết với nước ngoài thì được tự chủ quyết định mức học phí còn công lập thì bị khống chế.

“Chúng ta nên tăng tự chủ cho các trường gắn liền với kiểm định chặt chẽ. Bộ GD&ĐT nên tập trung vào công tác này, đồng thời tăng cường hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức hiệp hội chuyên môn và ngành nghề trong lĩnh vực kiểm định”, đại biểu Lan đề xuất.

Các đại biểu Hồ Thị Thùy (Vĩnh Phúc), Đặng Thị Hoàng Yến (Long An), Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu), Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), Lê Văn Học (Lâm Đồng)… cũng nhất trí, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học là cần thiết nhằm bảo đảm tính linh hoạt, chủ động trong giáo dục đào tạo nhưng các quy định này trong dự luật cần được xem xét toàn diện hơn, các quy định về tự chủ cần chi tiết hơn về đối tượng, có bước đi phù hợp, có lộ trình thực hiện và có cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm… Theo thống kê của đại biểu Yến, trong các quy định của dự án luật về giao quyền tự chủ cho các trường đại học, có đến 39/67 điều giao cho Bộ và Chính phủ quyết định, như vậy là chưa giao quyền tự chủ thực sự cho các trường, mà chỉ là hình thức.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Quốc hội sẽ tổ chức một hội nghị đại biểu chuyên trách và mời thành viên các ủy ban khác của Quốc hội, các chuyên gia… vào đầu năm 2012 để tiếp tục lấy ý kiến góp ý cho dự án luật này. Đồng thời, Ban soạn thảo cũng sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp từ các đại biểu Quốc hội và nhân dân để hoàn chỉnh dự luật, cố gắng để dự luật có thể được thông qua tại kỳ họp tới.

H.Vân