Thái Lan: Lũ lụt gây sóng gió trên chính trường

Thế giới - Ngày đăng : 06:57, 14/11/2011

(HNM) - Những bước đầu tiên của Thủ tướng Yingluck Shinawatra trên chính trường vốn nhiều trắc trở của Thái Lan đã không suôn sẻ như chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tại xứ Chùa Vàng cách đây gần 4 tháng.

Thủ tướng Y.Shinawatra thị sát lũ lụt tại phía Bắc thủ đô Bangkok.


Khi trận chiến không cân sức với dòng nước lũ hung dữ nhấn chìm 3/4 lãnh thổ Thái Lan đã bước sang tháng thứ 4 và vẫn chưa thôi đe dọa trung tâm thủ đô Bangkok, cũng là lúc nội các non trẻ của bà Yingluck phải đối mặt với sức ép gay gắt từ các chính đảng đối lập. Vốn kinh nghiệm chính trị được cho là ít ỏi của doanh nhân chưa từng giữ một chức vụ nào trong cơ quan công quyền hiện đang trở thành tâm điểm của sự công kích. Viện dẫn những nhận định cáo buộc nội các đã đưa ra những thông tin tiền hậu bất nhất về đường đi của con lũ lịch sử cũng như lời thừa nhận của các quan chức chống lũ lụt rằng nhà chức trách đã không đánh giá được chính xác lượng nước đổ về Bangkok, phe đối lập xem đó như là một bằng chứng về năng lực điều hành của bà Yingluck trong ứng phó với thảm họa. Việc Thủ tướng Yingluck bổ nhiệm Bộ trưởng Tư pháp, Bộ trưởng Nội vụ và một cựu Bộ trưởng Công an vào các chức vụ lãnh đạo Trung tâm Cứu hộ quốc gia (FROC) cũng được nhìn nhận như một tính toán chưa thực sự hợp lý khiến công tác phối hợp chống lũ thiếu thống nhất và vụng về. Dường như, trận đại hồng thủy ở xứ Chùa Vàng đang được khai thác triệt để như một vũ khí lợi hại cho cuộc đối đầu chính trị một lần nữa đang hình thành trên chính trường Thái Lan.

Bất chấp mọi áp lực ghê gớm đang dồn về, nữ Thủ tướng 44 tuổi cho biết sẽ tại vị đến cùng và nỗ lực để xứng đáng với lá phiếu của những cử tri đã ủng hộ bà tuyên bố chắc chắn này đã gạt bỏ những lời đồn đại về sự lung lay của chính phủ đương nhiệm trong trận thủy tặc. Đến trung tâm cứu trợ Chatuchak bằng xe buýt, tự tay nấu món mỳ truyền thống phad wun sen cho người dân chạy lũ… bà Yingluck đang làm tất cả những gì có thể để khẳng định trách nhiệm, sự gần gũi và biết sẻ chia với dân chúng trong hoạn nạn.

Chung sống cùng làn nước lũ khủng khiếp nhất trong hơn 50 năm qua, nữ Thủ tướng đầu tiên của xứ Chùa Vàng đã không ngại từ bỏ cơ hội đầu tiên để quảng bá hình ảnh một tân Thủ tướng trước các nhà lãnh đạo khu vực và thế giới khi quyết định không tới Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra tại Hawaii, Mỹ. Động thái này cho thấy quyết tâm chống lũ đang là ưu tiên hàng đầu của nội các Thái Lan cũng như Thủ tướng Yingluck. Bước đi này cũng cho thấy nữ doanh nhân 44 tuổi không thiếu kinh nghiệm như lời đồn thổi trước khi bà quyết định từ chối tham dự APEC. Rằng, chuyến công du sẽ được sử dụng như lời buộc tội thiếu trách nhiệm của một Thủ tướng thực hiện chuyến công cán nước ngoài dù là quan trọng ngay trong lúc quốc gia lâm nạn. Cùng với đó, công bố kế hoạch đối phó với lũ, đặc biệt với các chiến dịch cứu hộ kéo dài từ 2 đến 3 tháng cho đến khi nước lũ rút hẳn và tái thiết đất nước sau thiên tai của nội các Thái Lan vừa qua là một quyết sách thể hiện sự vững chãi của tân chính phủ Thái Lan trước cơn giông tố bất ngờ.

Tuy nhiên, những vết rạn nứt vốn chưa hẳn lành trên chính trường Thái Lan, nền kinh tế bị tổn hại nặng nề với mùa màng thất bát, nền công nghiệp sa sút, đầu tư có thể bị sụt giảm và tăng trưởng kinh tế thấp hơn đến 1,7% so với dự báo 4,1% vì sau cơn khủng hoảng lũ lụt... là những di sản nặng nề đang đợi chờ nội các cùng Thủ tướng Yingluck. Lấy lại niềm tin từ các nhà đầu tư nước ngoài, triển khai hiệu quả các kế hoạch tái thiết sẽ ngốn hàng chục tỷ USD sẽ là con đường duy nhất cho sự tồn tại của tân chính phủ Thái Lan cũng như sự ổn định của quốc gia Đông Nam Á này.

Vân Khanh