Cuộc sụp đổ Olympus

Hồ sơ - Ngày đăng : 06:54, 14/11/2011

(HNM) - Nhật Bản lại vừa bồi thêm một cú sốc cho thị trường tài chính thế giới, không phải bằng những thiệt hại nặng nề do cơn động đất, sóng thần lịch sử, cũng không phải là khoản nợ công khổng lồ đã lên đến hơn 200% GDP mà với vụ gian lận kéo dài có hệ thống trong nhiều năm của Olympus, tập đoàn quang học hàng đầu xứ sở Mặt trời mọc vừa bị phát giác.

Olympus nổi tiếng thế giới với những máy ảnh chất lượng cao.


Lời thừa nhận mới nhất trong tháng 11-2011 của ban lãnh đạo Olympus rằng tập đoàn danh giá này đã sử dụng các vụ mua bán công ty để che giấu các khoản thua lỗ do đầu tư chứng khoán trong suốt hơn 20 năm qua đã lập tức gây choáng váng cho thị trường tài chính xứ Phù Tang. Tấm màn bí mật bắt đầu được vén lên vào tháng 10-2011, khi Tổng Giám đốc Michael Woodford bị buộc phải rời khỏi Olympus vì đã đặt dấu hỏi về khoản tiền 687 triệu USD phí tư vấn trả cho Công ty Axes America ít tiếng tăm tại New York trong gói giao dịch mua lại hãng thiết bị y tế Anh Gyrus trị giá gần 2 tỉ USD hồi năm 2008. Đây là mức phí cao kỷ lục từng được ghi nhận trong lịch sử các vụ mua bán, sáp nhập các công ty đang diễn ra như cơm bữa trên thế giới.

Manh mối quan trọng này đã dẫn tới việc phát hiện thêm khoản đầu tư 940 triệu USD khả nghi nữa của Olympus vào 3 công ty nhỏ khác của Nhật Bản chẳng hề có liên quan đến chiến lược kinh doanh của tập đoàn trong thời gian từ năm 2006 đến 2008. Những dấu vết về khoản đầu tư này đã hầu như bị xóa sạch chỉ vài tháng sau khi hợp đồng kết thúc và Olympus chỉ tìm ra các hành vi gian dối khi điều tra sâu những giao dịch mờ ám trên. Để bảo vệ những thông tin động trời về âm mưu làm ăn mờ ám, hãng này từng thay cơ quan kiểm toán KPMG bằng Ernst & Young hồi tháng 5-2009 liên quan đến việc kê khai các khoản thu.

Thực chất, "thủ đoạn" che đậy khả năng tài chính thật của Olympus là không mới khi thực hiện các giao dịch chuyển lỗ từ công ty mẹ sang công ty con hoặc một quỹ đầu tư để giữ sổ sách kế toán sạch sẽ. Đây là bài học gian lận đã được nhiều doanh nghiệp sử dụng trong thập niên 1990 khi bong bóng chứng khoán và nhà đất Nhật Bản tan vỡ. Phát hiện trào lưu nguy hiểm này, Tokyo đã cấm các hành vi "đánh bùn sang ao" để giữ gìn sự minh bạch của nền kinh tế, đặc biệt sau vụ bê bối gây chấn động của Tập đoàn Enron, Mỹ. Thế nhưng, có vẻ như mọi biện pháp siết chặt của Nhật Bản chưa thể lấp kín mọi kẽ hở trên thị trường tài chính. Cơn địa chấn mà tập đoàn luôn được xem là một hình mẫu của các công ty Nhật như Olympus vừa gây ra tại xứ Mặt trời mọc là một bằng chứng sống cho sự thật đó.

Vụ bê bối mang tên Olympus đang được xem là vụ che giấu lỗ dài nhất và lớn nhất trong lịch sử thị trường kinh doanh ở Nhật Bản. Cổ phiếu của hãng này đã mất tới 70% giá trị (khoảng 6 tỷ USD) khi trở thành mục tiêu điều tra của Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Tương lai của thương hiệu 92 năm tuổi cũng đang vô cùng bấp bênh khi nhiều khả năng các quan chức Olympus sẽ bị truy tố về tội lừa đảo với mức án tù lên tới 10 năm và hàng loạt vụ kiện của cổ đông.

Cuộc sụp đổ Olympus khiến dư luận đặt dấu hỏi về việc liệu sự thật không bị phanh phui thì tập đoàn này sẽ tiếp tục lừa dối trong bao lâu. Vụ bê bối lãi giả lỗ thật cũng cho thấy vẫn còn những mảng tối trong thị trường tài chính Nhật Bản khiến niềm tin của các nhà đầu tư và người dân vào sự minh bạch của nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Minh Nhật