Chưa thực sự bền vững
Đời sống - Ngày đăng : 06:52, 14/11/2011
Đây là bước tiến đầy ấn tượng, phản ánh những thành tựu to lớn của Việt Nam về tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống. Tuy nhiên, chỉ số thu nhập đóng góp tới 55,7% vào tăng trưởng HDI so với mức 31,8% về chỉ số tuổi thọ trung bình và chỉ số giáo dục là 12,6%. Điều đó có nghĩa bước tiến về giáo dục và y tế còn chậm.
"Trụ hạng", nhưng tính bền vững chưa cao
Báo cáo phát triển con người toàn cầu năm nay cho thấy giá trị HDI của Việt Nam năm 2011 tương tự như năm ngoái. Việt Nam đứng trong nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình và xếp thứ 128 trên 187 nước được khảo sát. Điều cần biết là trong khu vực, HDI của Việt Nam vẫn thấp hơn HDI của các nước Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, chỉ cao hơn Campuchia và Lào. Cùng với Trung Quốc và Thái Lan, xếp hạng HDI của Việt Nam năm 2011 không thay đổi so với năm 2010, trong khi xếp hạng của Campuchia, Lào, Indonesia, Philippines và Malaysia đã tăng lên.
Phát triển giáo dục đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Trong 20 năm qua, HDI của Việt Nam đã tăng thêm 37%. Những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong từng chỉ số thành phần của HDI (tuổi thọ, giáo dục và tăng trưởng kinh tế) cho thấy tiến bộ chung về phát triển con người chủ yếu là do tăng trưởng kinh tế. Từ năm 1990 đến nay, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam đã tăng đáng kinh ngạc với mức 288%. Do đó, chính tăng trưởng thu nhập đã góp phần lớn nhất cho tiến bộ đạt được về chỉ số phát triển con người.
Điều đáng nói là chỉ số HDI nêu trên gần với khái niệm HDI tiềm năng hơn là HDI thực tế. Bà Setsuko Yamazakia, Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc giải thích: "HDI là một thước đo trung bình của các thành tựu cơ bản về phát triển con người. Giống như tất cả các con số trung bình, HDI che giấu sự bất bình đẳng trong phân phối thành tựu phát triển con người trên toàn bộ dân số. Để giải quyết vấn đề này, báo cáo phát triển con người toàn cầu năm ngoái đã đưa ra chỉ số HDI điều chỉnh theo bất bình đẳng, trong đó có tính đến bất bình đẳng trên cả ba phương diện của HDI. Như vậy, HDI có thể được coi là chỉ số đo mức độ phát triển con người tiềm năng, còn HDI điều chỉnh theo bất bình đẳng là chỉ số đo mức độ phát triển con người thực tế".
Khi HDI của Việt Nam được điều chỉnh theo bất bình đẳng, chỉ số này có thể giảm 14%. Đấy là chưa kể đến HDI của Việt Nam sẽ còn giảm đi nữa nếu như chỉ số này được điều chỉnh theo mức độ bền vững về môi trường và tăng trưởng xanh.
Có nguyên nhân từ giáo dục và y tế
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến HDI của Việt Nam thấp và chưa thực sự bền vững, trong đó sự chậm tiến của giáo dục và y tế đóng vai trò quan trọng. Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được bước tiến quan trọng trong việc giải quyết bất cập về y tế và giáo dục. Cụ thể, về y tế, tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em dưới một tuổi đã giảm, hầu hết trẻ em đã được tiêm phòng và đa số các ca sinh nở được nhân viên y tế đã qua đào tạo hỗ trợ. Tuy nhiên, trên thực tế, những thành tựu tích cực đã khỏa lấp phần nào sự bất bình đẳng dai dẳng giữa các vùng, các nhóm thu nhập. Ví dụ, tỷ lệ trẻ còi xương và suy dinh dưỡng, tỷ lệ tử vong của các bà mẹ ở nông thôn và miền núi cao hơn 2-3 lần so với thành thị. Trên thực tế, có tới 3,7% số hộ gia đình đã quay trở lại tình trạng nghèo đói do phải chi quá nhiều cho chăm sóc sức khỏe.
Về giáo dục, chỉ số phát triển giới GDI cho thấy vẫn còn khoảng cách giới trong giáo dục ở các tỉnh nghèo nhất. Ở một số tỉnh, tỷ lệ người lớn biết chữ là nữ thấp hơn 20-30% so với nam. Ví dụ, ở Lai Châu, tỷ lệ này của nữ là 48% so với 75,5% của nam. Tương tự, ở một số tỉnh, khoảng cách giới trong tỷ lệ nhập học chung là 30%. Báo cáo năm nay cũng cho thấy, chi tiêu công cho giáo dục ở Việt Nam ở mức tương đương so với đa số các nước khác trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Năm 2008, chi tiêu công cho giáo dục là 5,3% GDP, chiếm 20% chi tiêu chung của Nhà nước. Tuy nhiên, kết quả giáo dục của Việt Nam còn kém so với các nước láng giềng - cả về số năm đi học trung bình và số năm đi học kỳ vọng. Bên cạnh đó, khoảng một nửa chi tiêu chung cho giáo dục là từ hộ gia đình, tùy thuộc vào cấp học và tăng mạnh ở những cấp học cao hơn. Trong khi ở cấp tiểu học, chi tiêu của hộ gia đình chiếm 17,5% tổng chi tiêu thì ở cấp đại học, con số này tăng lên đến 52,2%.
Thống kê cho thấy cũng như y tế, chi tiêu cho giáo dục trở thành gánh nặng đối với các hộ gia đình nghèo và thiệt thòi. Bà Ingrid Fitzgerald - tác giả báo cáo - nhận định: "Việt Nam sẽ khó cạnh tranh hiệu quả trong một thị trường ngày càng toàn cầu hóa cao và khó tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình nếu không thể cải thiện các kết quả giáo dục và trình độ kỹ năng một cách bền vững".
Nhằm tiếp tục hướng tới mức phát triển con người cao hơn, các chuyên gia của Liên hợp quốc khuyến nghị Chính phủ cần ưu tiên phát triển y tế và giáo dục bởi lẽ đây là cách tốt nhất để phát triển con người bền vững. Bên cạnh đó, cần bảo đảm tiếp cận các dịch vụ xã hội có chất lượng và giá cả phải chăng cho mọi người nhằm giảm khoảng cách và đẩy lùi bất công trong xã hội.