Nhiều lợi thế nhưng nhiều... hạn chế
Kinh tế - Ngày đăng : 06:41, 14/11/2011
Thu hái chè tại xã Minh Quang (huyện Ba Vì). Ảnh: Thái Hiền
Sản phẩm còn nghèo nàn
Hiện cả nước có trên 135 nghìn héc ta chè cho sản lượng trên 165 ngàn tấn chè khô, kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt trên 133 triệu USD/năm. Riêng năm 2010, giá trị XK đạt 200 triệu USD, giải quyết việc làm cho 400.000 hộ nông dân tại 35 tỉnh, thành trong cả nước. Sản xuất chè Việt Nam (VN) có nhiều lợi thế, đa dạng phong phú về nguồn giống, đất đai, khí hậu phù hợp. Các giống chè bản địa VN được ngành chè thế giới đánh giá cao về năng suất, chất lượng tốt, có thể chế biến thành sản phẩm đa dạng như chè vàng, Phổ nhĩ và sản xuất chè hữu cơ giá trị cao. Tuy năng suất chè VN đã đạt mức bình quân của thế giới nhưng giá bán lại thấp, chỉ bằng 60-70% thế giới. Theo PGS-TS Lê Quốc Doanh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp VN, nguyên nhân chủ yếu do sản phẩm chè VN còn nghèo nàn về chủng loại, chất lượng và mẫu mã chưa hấp dẫn nên sức cạnh tranh thấp. Đặc biệt giữa chế biến và sản xuất nguyên liệu chưa gắn kết chặt chẽ với nhau, nguyên liệu búp chè chưa đáp ứng tiêu chuẩn an toàn để chế biến ra chè chất lượng cao... Một số DN và người trồng chè chạy theo lợi nhuận trước mắt đã tăng cường sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học để tăng năng suất, khiến cho sản phẩm chè XK kém chất lượng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ngành chè VN. Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Cương - Hoàng Bình, Thái Nguyên cho rằng, khó khăn hiện nay của các DN sản xuất và XK chè là nguồn vốn đầu tư. Ngoài ra là sự thiếu kiến thức marketing và kinh nghiệm đàm phán trong ký kết hợp đồng ngoại thương nên trong quá trình đàm phán ký kết hợp đồng, các DN thường bị ép giá. Vấn đề liên kết 4 nhà không chặt chẽ khiến nông dân sản xuất tự phát không định hướng, người mua - bán không theo quy trình chất lượng… dẫn đến nhiều hạn chế cho ngành chè VN.
Quy hoạch các vùng chè an toàn
Cựu Tổng thư ký Ủy ban chè châu Âu Dufrene Barbra cho rằng, tương lai của ngành chè VN là hướng đến các sản phẩm an toàn. EU là thị trường khó tính và nghiêm ngặt nhưng chè VN đã có mặt trên thị trường này chứng tỏ là VN có nhiều cơ hội để đẩy mạnh phát triển ngành chè. Song thực tế các vùng chè VN còn nhỏ lẻ, ít vùng bảo đảm an toàn theo quy chuẩn quốc tế. Muốn khắc phục tình trạng này, VN cần quy hoạch các vùng chè an toàn, tập trung, đáp ứng yêu cầu sản xuất an toàn theo hướng VietGAP. Bên cạnh đó là chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chứng nhận chất lượng cho người trồng chè. Ngoài ra, phải tăng cường công tác quản lý giống chè, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất chè, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng và hiệu quả, đồng thời quản lý tốt các cơ sở chế biến chè song hành với việc phát triển cơ sở hạ tầng và có chính sách phù hợp với các nông hộ sản xuất chè trong cả nước.
Gian hàng chè Thái Nguyên được giới thiệu tại Hội chợ chè quốc tế.
Tuy là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về XK chè, nhưng VN hiện chỉ có thương hiệu CHEVIET đã đăng ký bảo hộ ở 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chủ tịch Hiệp hội Chè VN Đoàn Anh Tuấn nhận định, chỉ có những sản phẩm sạch mới có chỗ đứng trên thị trường. Do đó, phải tăng cường tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm tới cả người sản xuất và tiêu dùng. Các DN nên có định hướng đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý để tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm địa phương mình. Với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào, giá chè thành phẩm lại cao hơn 5-10 lần giá nguyên liệu, ngành chè nước ta có rất nhiều tiềm năng phát triển.
Hà Nội cũng là địa phương có thế mạnh về chè. Hiện diện tích chè Hà Nội đạt khoảng 2.700ha, phân bổ chủ yếu tại các huyện vùng gò đồi hiện đang cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến chè Phú Mãn (Quốc Oai), Kim Anh (Sóc Sơn), Thái Hà, Ba Trại (Ba Vì)… nhưng trên địa bàn TP cũng chưa có nhiều vùng nguyên liệu tập trung. Huyện Ba Vì là nơi có số diện tích chè lớn nhất nhưng cũng chưa đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho gần 10 nhà máy chế biến chè và hàng trăm cơ sở chế biến chè thủ công ở đây. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho biết, Hà Nội đang đầu tư cải tạo vườn chè cũ bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất chè; đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất và chất lượng chè nguyên liệu theo hướng "chè sạch" để giữ gìn thương hiệu.
Thực tế, chè là sản phẩm lệ thuộc rất lớn thị trường quốc tế, tuy nhiên sự sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế của các DN chè VN còn lúng túng cả trong việc đổi mới công nghệ lẫn xúc tiến thương mại để khai thác thị trường mới. Do vậy, cần có giải pháp đồng bộ, đặc biệt lấy khoa học công nghệ làm khâu đột phá cho ngành chè VN phát triển bền vững. Từ đó mới đánh thức được tiềm năng chè Việt Nam.
Hiện cả nước có 690 nhà máy và cơ sở chế biến chè, trong đó chỉ có 31 nhà máy có quy mô sản xuất lớn, 103 nhà máy có quy mô sản xuất vừa, còn lại là các cơ sở sản xuất chế biến nhỏ và hàng vạn các lò thủ công chế biến do các hộ gia đình tự chế. Vùng nguyên liệu hiện có chỉ đáp ứng trên 50% sức sản xuất của các nhà máy, dẫn tới hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa chính các DN trong nước. |