Nghề “quay” châu chấu

Xã hội - Ngày đăng : 06:56, 13/11/2011

(HNM) - Mấy chục năm rồi mà mỗi lần nhớ về tuổi thơ, tôi vẫn thấy như vẫn còn phảng phất mùi châu chấu rang thơm lừng… Nhưng đám trẻ con hồi xưa bắt châu chấu, một buổi chiều chạy rạc cẳng ngoài đồng, bằng cái vỉ tre chỉ đủ cải thiện bữa ăn vốn quanh năm thiếu chất.

Nay về xã Lê Thanh (Mỹ Đức, Hà Nội), mới thấy người ta đi bắt châu chấu để lấy tiền mua xe máy, tivi... và nghề này đã trở thành kế sinh nhai của nhiều gia đình.

Nghề lạ

Xã Lê Thanh có gần 12.000 dân, tập trung ở 4 thôn: Lê Xá, Đức Thụ, Áng Thượng, Áng Hạ. Riêng thôn Lê Xá lớn nhất, có 1.062 hộ thì gần 100% số hộ vào dịp thu hoạch lúa, ban đêm chẳng mấy ai ở nhà, tất cả ra đồng với những bộ đèn để "quay" châu chấu. Ngoài bộ đèn chiếu sáng, công cụ dùng bắt châu chấu không thể thiếu chiếc vợt, được thợ săn châu chấu ở Lê Thanh thửa riêng, cao quá đầu người, với chất liệu nilon may thành túi dài, khâu ôm lấy miệng vành, gắn trên chiếc cán tre đực, dài không dưới 1,7m... Đồ nghề đơn giản, mua chỉ hết chừng 25.000 đồng và chịu khó bỏ công lội ruộng, số tiền kiếm được mỗi đêm bằng cả tạ thóc. Vì thế, từ chỗ ban đầu chỉ lác đác vài hộ gia đình đi "quay" châu chấu, đến nay cả xã Lê Thanh gần như chẳng ai không biết nghề này.

Sơ chế châu chấu.

Khi các cánh đồng ngoại thành Hà Nội hết mùa gặt, người dân Lê Thanh tỏa đi khắp các tỉnh miền Bắc, gần thì đến các tỉnh Thái Bình, Hòa Bình, Nam Định… có nhóm thuê cả ô tô vào tận Thanh Hóa, Nghệ An. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Thiêm cho biết, mỗi người góp 50.000-100.000 đồng thuê một chuyến ô tô đi vào Thanh Hóa. Trời tối hẳn là lúc đội quân săn châu chấu xuất phát, ai vào việc ấy. Những tay săn châu chấu lâu năm, giàu kinh nghiệm, chỉ cần nhìn những vết răng châu chấu trên lá cỏ ngoài đồng, có thể dự đoán rất chính xác nơi nào mật độ châu chấu dày, nơi nào mật độ thưa, từ đó họ chọn chỗ để đặt đèn. Họ làm việc cật lực từ 5 giờ chiều tới 7 giờ tối là lên xe từ Thanh Hóa trở về Lê Thanh vào quãng 10 giờ đêm, hàng trăm phụ nữ, người già đang chờ sẵn ở nhà để sơ chế châu chấu cho kịp giờ giao hàng cho thương lái.

Giúp hàng nghìn hộ dân làm giàu

Anh Phạm Văn Mạnh, đầu mối thu mua châu chấu lớn nhất trong xã cho biết, châu chấu được nhiều nhà hàng, khách sạn trên khắp đất nước mua về để chế biến thành món ăn, món nhậu khoái khẩu. Những món như châu chấu rang, châu chấu nướng khi ăn có vị rất thơm, bùi và ngậy. Nhưng hiện tại khắp khu vực phía Bắc, chỉ độc có xã Lê Thanh săn bắt châu chấu, trong khi châu chấu chỉ được đánh bắt vào vụ gặt. Do vậy mà châu chấu săn được tới đâu, các nhà hàng, khách sạn thu mua bằng sạch.

Công đoạn làm sạch châu chấu, như vặt bỏ cánh, càng cứng... cũng thu hút được rất nhiều em nhỏ và người già, người yếu sức khỏe trong xã, với thu nhập từ 20.000 - 30.000 đồng/người cho khoảng gần 2 giờ đồng hồ. "Trung bình, mỗi ngày xã Lê Thanh "xuất" đi hơn 3 tấn châu chấu, ngày cao điểm lên tới 5 tấn. Chỉ tính riêng mùa châu chấu vụ chiêm 2011, người dân Lê Thanh cũng đã thu về 2,5 tỷ đồng có dư, và vụ mùa này, thời gian “quay” châu chấu dài hơn 15-20 ngày, dự kiến có thể gấp đôi", ông Nguyễn Văn Thức - Chủ nhiệm Hợp tác xã Lê Thanh cho biết. Cũng theo ông Thức nhiều gia đình với ba, bốn lao động khỏe mạnh, mỗi tối vợt 6 - 7 yến chấu, tính thành tiền cũng xấp xỉ 2 triệu đồng, mỗi tháng cho thu nhập 50 - 55 triệu đồng.

Trước kia người dân Lê Thanh chỉ biết trông chờ vào mùa vụ, đời sống gặp nhiều khó khăn. Nay, nhờ cung cấp châu chấu đi khắp các nhà hàng, khách sạn, kinh tế nhiều gia đình đã trở nên khấm khá, có của ăn của để. Nghề "quay" châu chấu đang mang lại ấm no, sung túc cho nhiều gia đình ở Lê Thanh.

Dung - Thanh