Dữ dội và nhân văn

Văn hóa - Ngày đăng : 06:52, 13/11/2011

(HNM) - Sau khi xuất bản, tác phẩm được bạn văn đẩy lên nhiều kỳ trên một trang web của một nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học trẻ. Nay "Sau rừng là biển" đang chuẩn bị tái bản với trang bìa mới.

Một cuốn tiểu thuyết chỉ hơn 230 trang nhưng mở ra cho người đọc những nẻo đến để đồng cảm với thân phận con người, đặc biệt là số phận những người lính trở về sau chiến tranh… Một giọng văn đẹp, gọn gàng và cuốn hút! Hànộimới đã có cuộc trao đổi thú vị với nhà văn Đỗ Kim Cuông về tiểu thuyết này.

- Thưa nhà văn, chiến tranh và hậu chiến có vẻ như là một đề tài tâm huyết của ông? Góc nhìn nào là mới mẻ mà ông khai thác trong tiểu thuyết “Sau rừng là biển” vừa xuất bản?

- Tôi đã viết nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn về đề tài chiến tranh, hậu chiến như “Hai người còn lại”, “Một nửa đại đội”, “Phòng tuyến sông Bồ”, “Tự thú của người gác rừng”, “Đêm ngâu”, “Đá trắng”, “Một mảnh hồn quê”… Có thể coi, “Sau rừng là biển” tiếp tục mạch văn về người lính mà tôi theo đuổi. Đó là những người bạn chung một chiến hào, một lý tưởng, chung kẻ thù trong chiến tranh nhưng sau khi trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người đi theo một ngã rẽ khác nhau. Chính từ cuộc sống tưởng như yên bình bên cạnh người thân sau lũy tre, hay giảng đường… họ đã hiểu rằng cuộc sống không phải như họ nghĩ. Kẻ thù không hiện hình ngay trước mũi súng, mà ẩn náu trong sự việc hằng ngày, nằm trong chính mối quan hệ xã hội tưởng như thân quen nhưng đầy rẫy éo le và phức tạp; nằm trong đồng chí, bạn bè của anh và ngay trong bản thân anh… Đối diện với thực tế ấy, song mỗi nhà văn có cách nhìn nhận và lý giải khác nhau. “Sau rừng là biển” góp phần lý giải hiện thực cuộc sống người lính sau chiến tranh, qua đó làm sáng tỏ phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ.

- Hẳn rằng tên tác phẩm “Sau rừng là biển” cũng chia sẻ những điều tâm huyết ấy của ông?

- Thực tình tôi không cầu kỳ, cân nhắc cho tên một cuốn tiểu thuyết. Cái tên “Sau rừng là biển”, có người khen hay, có người cũng không thật hiểu ý tưởng của tác giả là gì. Dù sao rừng và biển là hai biểu tượng của đất nước. Nhà văn Nguyễn Khắc Phê có nhận xét khi đọc cuốn sách “Mấy ai đã đo được lòng biển”. Sự rộng lớn, bao la cũng như phức tạp của cuộc sống, của đời người ôm trọn trong đó bao thân phận không ai giống ai. Những năm tháng trở về sau chiến tranh, lúc đi dạy học, đi làm báo, viết văn, lang thang nhiều vùng của đất nước, tôi đã gặp biết bao nhiêu người từng mặc áo lính. Ngồi sau chiếc xe ôm của họ, nghe biết bao nhiêu chuyện cảm động, đồng cảm với họ và không thể không viết về họ.

- Có ý kiến cho rằng “Sau rừng là biển” phản ánh khá dữ dội nhiều thân phận con người, nhưng vẫn toát lên những điểm sáng nhân hậu, nhất là hình tượng Huynh và Toản (con riêng của vợ Huynh). Ông nghĩ gì về trách nhiệm của nhà văn khi phản ánh hiện thực?

- Chẳng riêng gì Huynh, trong cuốn tiểu thuyết này nhân vật Giáo Thái, Kha, chị Nhàn và cả Hùng Râu cũng đều đáng yêu, đáng thương cả. Họ là một phần làm nên hiện thực cuộc sống này. Cuộc sống của người lính trở về sống trong thời kỳ bao cấp, trong cuộc vật lộn giữa cái tốt và cái xấu… trong cuộc lột xác để làm nên sự nghiệp đổi mới có ý nghĩa sinh tử của đất nước, để bảo vệ những phẩm giá tốt đẹp của người lính Cụ Hồ.

Nhà văn không thể chối bỏ được cái thực tại ấy và phải có trách nhiệm, lương tâm phản ánh hiện thực ấy một cách trung thực. Đó cũng còn là lời cảnh báo với xã hội. Song, văn chương không chỉ để phản ánh, giãi bày, nó phải tạo ra những hình tượng nghệ thuật, trở thành điểm tựa cho người đọc, làm cho người đọc tin vào những điều tốt đẹp của con người và cuộc sống.

- “Sau rừng là biển” được viết với giọng văn giản dị, nhưng cuốn hút. Hình như ông đã viết tác phẩm này một mạch? Ông nghĩ gì về sự đổi mới cách thể hiện của một số cây bút trẻ gần đây?

- Có nhiều chương trong “Sau rừng là biển” tôi viết cách đây đã hơn 20 năm. Vì nhiều lý do, tác phẩm chưa hoàn thiện, hoặc chưa thích hợp để xuất bản. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, nhà văn bất luận là trẻ hay già đều phải tìm lấy cho mình một phong cách thể hiện mới để thu hút độc giả. Tuy nhiên, anh có đổi mới bao nhiêu về nghệ thuật mà nội dung không có gì mới thì chẳng ai đọc sách của anh. Tôi cho rằng, chính những khám phá về nội dung, tư tưởng, chủ đề và cốt truyện sẽ quyết định hình thức thể hiện.

- Bên cạnh mảng xã hội thời bao cấp, “Sau rừng là biển” khai thác những vấn đề của bối cảnh đất nước thời hội nhập. Trong đó có bóng dáng những ông, bà chủ trẻ… Lại nhớ đến một ý kiến tại hội thảo văn học rằng “Còn thiếu vắng nhiều mảng hiện thực, nhiều nhân vật của đời sống hôm nay (như doanh nhân, nông dân, kỹ sư…) trong các tác phẩm văn học đương đại”? Xin ông chia sẻ quan điểm về vấn đề này?

- Tôi nhớ gần 20 năm trước có dịp đi cùng nhà văn Hà Xuân Trường, nhạc sĩ Trần Hoàn, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà báo Hữu Thọ… để khảo sát thực tế ở 3 miền, xây dựng NQ TƯ 5 khóa VIII về văn hóa, ông Hà Xuân Trường đã hỏi tôi: “Ông viết văn xuôi. Vậy tôi hỏi ông nhân vật trọng tâm của văn học Việt Nam trong thời kỳ đổi mới có phải là công-nông-binh hay không?”. Tôi đã thưa: “Nhân vật trọng tâm của văn học Việt Nam trong tương lai vẫn là con người Việt Nam yêu nước, nhân hậu. Họ không chỉ sẵn sàng đổ máu để giữ nước mà còn sẵn sàng bảo vệ các giá trị tốt đẹp của dân tộc, dám tiếp thu, chọn lọc những cái mới trong thời kỳ hội nhập”.

- Thời gian tới ông dự định công bố tác phẩm mới nào không?

- Tôi đang hoàn thiện, chuẩn bị xuất bản hai tiểu thuyết mới là “Tư lệnh mặt trận” và “Trang trại hoa hồng”.

- Xin chân thành cảm ơn ông, chúc ông thành công!

Thi Thi