Thêm cơ hội cho xuất khẩu
Kinh tế - Ngày đăng : 06:11, 13/11/2011
Đặc biệt thông qua hội chợ, Sở Công thương Hà Nội đã làm được vai trò cầu nối giữa nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Thủ đô với các nhà nhập khẩu đến từ nhiều nước trên thế giới.
Tiềm năng lớn, khó khăn nhiều
Theo Sở Công thương Hà Nội, với 1.350 làng có nghề, sản phẩm TCMN của Hà Nội đã mang lại giá trị sản xuất hàng nghìn tỷ đồng/năm, trong đó giá trị xuất khẩu đạt trên 100 triệu USD, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm nghìn lao động và việc làm thời vụ cho gần một triệu lao động với thu nhập mỗi tháng gấp 1,5-2 lần so với lao động thuần nông. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập kinh tế hiện nay, ngành hàng TCMN của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Khách tham quan các gian hàng tại hội chợ. |
Ông Hoàng Văn Hạnh, chủ cơ sở sản xuất đồ gốm đan mây nghệ thuật xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ) cho rằng, là nước xuất khẩu mây tre lớn nhưng nguồn nguyên liệu của ta chưa phát triển tương xứng, để có nguyên liệu sản xuất, các DN phải nhập mây, song từ Lào, Indonesia, Trung Quốc… chi phí cao. "Thời điểm đầu năm nay, giá song, mây là 33.000 đồng/kg thì giờ đã tăng lên 43.000 đồng/kg; giá nhân
công cũng tăng từ 50.000 đồng lên 70-80.000 đồng/người/ngày. Mặc dù vậy, nhiều lao động vẫn bỏ việc, chuyển sang nghề khác có mức thu nhập cao hơn. Có lúc, không có thợ, gia đình phải lỗi hẹn thời gian giao hàng cho khách" - ông Hạnh nói. Không riêng gì nhóm nghề mây giang đan, anh Đỗ Hùng Chiêu, Giám đốc Công ty CP Sản xuất, dịch vụ, thương mại An Huy, DN chuyên sản xuất, kinh doanh hàng sơn mài đóng trên địa bàn thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái (Thường Tín) cũng cho rằng, nghề này ở Duyên Thái đang giảm sút nghiêm trọng, sản xuất chỉ bằng 40% so với trước năm 2008. Nguyên nhân không phải không có đơn hàng mà bởi chi phí sản xuất quá cao.
Ông Lê Bá Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam phân tích: Sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất hàng TCMN trên thế giới như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… ngày càng khốc liệt về cả mẫu mã và giá thành sản phẩm.
"Tiếp sức" cho làng nghề
Với quy mô 400 gian hàng tiêu chuẩn và các khu trưng bày đặc biệt thuộc 8 nhóm hàng chính như gốm sứ, mây tre giang đan, đồ gỗ mỹ nghệ, sơn mài, khảm trai, thêu ren, dệt lụa tơ tằm... hội chợ đã quy tụ những sản phẩm tiêu biểu của các nghệ nhân. Nhiều khu trưng bày sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp TP năm 2011. Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương Hà Nội) cho biết, BTC hội chợ đặt mục tiêu sẽ đón khoảng 3.000 khách, trong đó có khoảng 500 khách là người nước ngoài. Tuy nhiên, lượng khách đến hội chợ lên tới hơn 10 nghìn người. Đặc biệt, sự quan tâm của khách hàng là các nhà nhập khẩu lớn đã và đang mở ra nhiều tiềm năng xuất khẩu cho ngành TCMN Hà Nội.
Nhiều DN, cơ sở sản xuất tham gia hội chợ cho biết, bên cạnh cơ hội được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè trong giới TCMN, họ còn được giới thiệu, quảng bá sản phẩm với khách hàng trong và ngoài nước. Đặc biệt là được tiếp cận với những mẫu thiết kế mới do các chuyên gia trong lĩnh vực này trình bày và nắm bắt các cơ hội xuất khẩu hàng đến các thị trường mới như Bắc Âu (trước đây, các DN chỉ quan tâm đến thị trường Tây Âu)...
Cùng với hàng trăm nhà nhập khẩu khác, bà Connie, Giám đốc mua hàng của Tập đoàn Fair Trade Original của Hà Lan tỏ ra thích thú khi xem các sản phẩm TCMN của Hà Nội, đặc biệt là các sản phẩm như sơn mài, gốm sứ, đan lát. Đại diện tập đoàn này đã gặp gỡ, giao lưu với các nhà sản xuất, trao đổi thông tin về nhu cầu của các bên. Đây là tập đoàn chuyên cung ứng sản phẩm thương mại bình đẳng, đã nhập khẩu hàng TCMN của Việt Nam 10 năm nay.
Theo bà Đào Thu Vịnh, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, năm 2011 là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức hội chợ chuyên ngành về hàng TCMN, đáp ứng nguyện vọng của các DN, cơ sở sản xuất tại các LN. BTC hội chợ đã mời hơn 100 nhà nhập khẩu có văn phòng đại diện tại Việt Nam và các DN ngoài nước khác đến tham quan sản phẩm của các LN nhằm hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường mới, củng cố thị trường cũ. Từ thành công của hội chợ này, BTC dự kiến hằng năm sẽ tổ chức hội chợ, mời các nhà nhập khẩu lớn của nước ngoài đến Hà Nội, thay vì hằng năm vẫn đưa các DN đi nước ngoài để xúc tiến thương mại, rất tốn kém, số lượng DN được tham gia cũng không nhiều.