Lớp học đặc biệt

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:00, 13/11/2011

(HNM) - Hiếm có lớp học nào mà giáo viên lại dạy quanh năm suốt tháng, không có kỳ thi hay nghỉ hè. Hiếm có lớp học nào mà lễ tổng kết và khai giảng năm học mới tổ chức cùng một ngày. Càng hiếm hơn khi trong lớp, mỗi học sinh được một cô giáo hay một tình nguyện viên kèm từng nét chữ, con tính.

Thậm chí có khi cô giáo vừa dạy một em bé lớp 1 viết, sau đó quay sang giảng toán cho một học sinh lớp 3 ngồi bên cạnh… Đó là lớp học đặc biệt dành cho các bệnh nhi ung thư tại khoa Nhi Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh.

Cô Kim Phấn cùng các em trong lớp học đặc biệt ở khoa Nhi.

Khát khao đến lớp

Tiếng là lớp học nhưng thực ra đây chỉ là một phòng nhỏ chừng 20m2 đặt trên tầng 3 của khoa Nội nhi III (Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh). Trước đây, căn phòng là nơi sinh hoạt của khoa nên còn một số đồ đạc sót lại. Suốt 3 năm qua, trong căn phòng nhỏ bé này, bất kể mưa hay nắng, những giáo viên tình nguyện như cô Kim Phấn, cô Sâm (Trường Tiểu học Đuốc Sống), cô Thủy (Trường Kết Đoàn, quận 1)… vẫn miệt mài soạn bài để mỗi tuần đến với lớp học này. Đây là lớp học đặc biệt, bởi nó không có trong hệ thống giáo dục đào tạo, không có tên trường, cũng chẳng có sĩ số cố định, được tổ chức đều đặn vào 14h chiều thứ sáu và 8h sáng thứ bảy hằng tuần.

14h chiều thứ sáu, tôi có mặt cùng cô Kim Phấn phụ trách lớp. Công việc đầu tiên của cô giáo và các sinh viên tình nguyện là dọn dẹp lớp, sau đó lần lượt đi từng phòng bệnh trong khoa để động viên các em đến học. Buổi học nào cũng vậy, vì thế mà cô giáo nhớ rõ tên các học trò. Vừa dẫn tôi đi từng phòng bệnh, cô vừa nói: "Nếu chưa đủ, cô giáo và các bạn sinh viên lại đi một vòng nữa, khi nào được khoảng 20 em thì lớp học bắt đầu. Nhưng hôm nào nhiều học sinh quá cũng lo vì không đủ chỗ ngồi".

Trong số mười mấy em có mặt ở lớp chiều nay, Bùi Thị Hòa đến sớm nhất. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi), Hòa là học sinh lớp 7. Nhập viện ngày 15-7-2011, sau nhiều đợt hóa trị, tóc em đã rụng hết. Mới 12 tuổi nhưng nom Hòa chững chạc, ăn nói khôn ngoan, em ngậm ngùi kể: "Gia đình em còn có ba, mẹ, hai chị gái và một em trai. Các chị và em trai em vẫn đi học. Khi bị bệnh, em cảm thấy mình là gánh nặng của gia đình. Những ngày điều trị đầu tiên ở bệnh viện, em đau nhức vô cùng, rất khó ngủ, nhất là những ngày dùng thuốc. Em nhớ nhà, nhớ trường và mong sớm được về quê đi học. Không chỉ riêng em mà các bạn khác ở khoa Nhi cũng đều mong có sức khỏe để sớm được về đoàn tụ cùng gia đình". Mỗi tháng Hòa phải vào Bệnh viện Ung bướu điều trị hóa chất 4 lần, tiền tàu xe mỗi lần đã hết 3 triệu, chưa kể tiền thuốc, chi phí sinh hoạt… Khó khăn vậy nhưng cả nhà chỉ trông chờ vào thu nhập từ việc bán vé số của người bố. Hòa nói thêm: "Thích nhất là được học tại lớp học bệnh viện. Cô Phấn luôn tận tình chỉ bảo từng ly từng tý".

Xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh và từ chính mong muốn của các bệnh nhi ung thư, lớp học do Chương trình "Ước mơ của Thúy" (Báo Tuổi trẻ) cùng khoa Nhi Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh tổ chức, đã ra đời ngày 4-9-2009. Là người gắn bó với lớp từ những ngày đầu và hiện đang chịu trách nhiệm chính, cô Phấn cho biết: "Những ngày đầu thật khó khăn, chúng tôi phải dạy học ngay ở phòng bệnh, mỗi tuần 2 buổi. Chính lòng ham học của các em giúp chúng tôi có thêm nhiệt huyết, không nghỉ dạy buổi nào".

Cuốn sổ tay của cô Phấn ghi tên các bệnh nhi theo học lớp học đặc biệt này. Đa số các em ở các miền quê nghèo ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Lớp học chia thành 3 nhóm: lớp 1, lớp 2-3 và lớp 4-5. Giáo viên cũng chỉ dạy môn Toán và tiếng Việt theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, sĩ số khoảng 50 em nhưng học sinh có mặt thường chỉ khoảng 20 em, hiếm khi có mặt đầy đủ, bởi sau những đợt truyền hóa chất các em lại về nhà. Thậm chí có không ít em chỉ học một buổi hoặc một tuần rồi… không thấy đến nữa, cô giáo hỏi bác sĩ, mới biết em đã qua đời!

Thắp sáng ước mơ cho em

Mong muốn đầu tiên của cô Kim Phấn cũng như các cô giáo tình nguyện khi mở lớp học là giúp các em biết viết tên mình, đọc tên mình. Thế nhưng, có những em 12 -13 tuổi vẫn muốn vào lớp học, vì thế lớp học được mở rộng dần, từ lớp 1 đến lớp 9. Mỗi tuần chỉ học hai buổi, không đủ kiến thức bằng các bạn cùng trang lứa, nhưng điều quan trọng nhất là các em được sống trong tuổi học trò, có bạn bè, có thầy cô giáo yêu thương.

Nếu như ở lớp học bình thường các em đều đủ điều kiện vật chất, sức khỏe để học hành, thì các em ở lớp học đặc biệt này đều đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Hình ảnh những học sinh tay này đang truyền dịch, tay kia viết bài khiến các cô giáo tình nguyện không khỏi xúc động. Điểm khác biệt lớn ở lớp học này là các em học theo sức của mình. Vì thế các cô giáo và tình nguyện viên phải nắm rõ tâm lý các em khi nào bị đau hoặc khi nào không muốn học. Không chỉ dạy đọc, dạy viết mà các cô còn có nhiệm vụ cao cả hơn, đó là trở thành người mẹ tinh thần của các em.

Suốt ba năm gắn bó với lớp học đặc biệt này, cô Phấn sợ nhất là những lúc phải dùng bút đỏ đánh dấu một cái tên dễ thương nào đó. Điều ấy có nghĩa là một học trò đã ra đi mãi mãi. Trong số đó có Phan Anh Trường, 12 tuổi, quê Bình Định, một trong những học sinh giỏi mà cô rất quý. Cô xúc động kể: "Hôm ấy đang dạy học trong phòng, tôi thấy một cậu bé đứng ngoài cửa nhìn vào chăm chăm rồi mạnh dạn hỏi tôi: "Con đã học hết lớp 5 rồi, cô có dạy lớp 6 không ạ?". Tôi định nói "Không" nhưng lại chẳng thể thốt nên lời khi nhìn vào ánh mắt thiết tha của nó. Tôi bảo: "Cô chỉ dạy cho các em nhỏ hơn con, nhưng nếu con muốn học cô sẽ nhận con vào lớp". Thằng bé vui lắm khi nghe câu ấy. Bắt đầu từ đó, tôi tự tìm hiểu kiến thức lớp 6 để dạy cho Trường. Trường nói: "Hôm con nhận giấy khen học sinh giỏi toán cấp tỉnh cũng là lúc mẹ đưa con vào bệnh viện điều trị". Sáu tháng vừa học vừa chiến đấu với bệnh tật, sự thông minh và chăm chỉ của Trường đã khiến tôi yêu quý em vô cùng. Rồi một buổi chiều thứ sáu, mẹ em nói trong nước mắt: "Cháu sắp phải về rồi cô ạ". Tôi đến thăm, thấy Trường đang nằm trên giường bệnh thở ôxy, chợt hiểu, mình sắp mất cậu học trò này vĩnh viễn rồi. Thế rồi Trường mất trên xe cứu thương khi đang trên đường trở về nhà….".

Bên cạnh những buồn đau, mất mát cũng có những niềm vui nho nhỏ khi những bệnh nhi của cô đạt kết quả học tập tốt, như trường hợp cô bé Phương Như, năm học vừa qua đã đạt danh hiệu học sinh giỏi. Phương Như vào bệnh viện điều trị từ khi mới 4 tuổi, thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Khi chuẩn bị vào lớp 1, Phương Như đã theo học lớp học bệnh viện. Lòng ham học của cô bé được cô Kim Phấn chắp cánh nên Phương Như có nền tảng kiến thức vững để theo học lớp 1 tại Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Chị Chi, mẹ của bé Phương Như, rưng rưng nói: "Chỉ mong con hết bệnh, khỏi bị nghỉ học giữa chừng, vì cháu rất ham học".

Một giờ học thật ngắn ngủi. Khi chia tay, tôi luôn trăn trở với câu nói của cô Kim Phấn: "Khi dạy các em học sinh ở trường thì tôi luôn hy vọng các em sẽ có một tương lai tươi sáng, nhưng với các học sinh - bệnh nhi ung thư ở đây, phía trước các em lại quá mờ mịt". Dù biết sự thật phũ phàng đến vậy, nhưng các cô giáo tình nguyện vẫn miệt mài hằng ngày thắp sáng cho ước mơ của các em. Đó là ước mơ cháy bỏng được đến trường, được học chữ, được sống trong thế giới học trò đầy ắp niềm vui… như bao trẻ em khác.

Phạm Đình Hiệp