Vấn đề là trả nợ thế nào?

Kinh tế - Ngày đăng : 05:55, 12/11/2011

(HNM) - Theo nhiều chuyên gia kinh tế, cuối năm 2011, nợ công Việt Nam sẽ ở mức 54,6% GDP, khá cao so với các nước trong khu vực. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu đang diễn biến phức tạp, việc bảo đảm tính bền vững của nợ công và giảm nợ xấu đang là những thách thức với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.


Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, những con số về nợ công của Việt Nam không đến mức phải quá lo lắng, bởi Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công nhằm bảo đảm tính minh bạch trong công tác quản lý nợ quốc gia.

Quản lý nợ công: Yêu cầu bức thiết


Cầu Thanh Trì xây dựng bằng nguồn vốn ODA.  Ảnh: Bá Hoạt

Quản lý và sử dụng hiệu quả các khoản vay nước ngoài phục vụ nhu cầu phát triển của nền kinh tế là yêu cầu bức thiết của nhiều quốc gia. Ở nước ta, những khoản vay nợ của Chính phủ là nguồn tài chính quan trọng phục vụ đầu tư phát triển và thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc bảo đảm tính bền vững của nợ công, giảm nợ xấu là nền tảng quan trọng để thực hiện song song hai nhiệm vụ: phát triển nền kinh tế và giữ ổn định an ninh tài chính quốc gia.

Kết quả khảo sát mới đây cho thấy, nợ nước ngoài của Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng. Năm 2004, nợ nước ngoài của Việt Nam là 4,18%. Năm 2005 tăng lên 12,66%, năm 2006: 21,81% và năm 2010 lên 34%. Nhận thức được tầm quan trọng trong việc giám sát, quản lý và sử dụng nợ công, Chính phủ luôn chú trọng đến việc sử dụng hiệu quả các khoản vay gắn liền với ổn định tài khóa, bảo đảm an toàn các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, viễn cảnh u ám từ tình hình nợ công và thâm hụt tài khóa ở các nước phát triển trong khu vực đồng Euro, Mỹ, Nhật Bản... đã cho thấy sự cần thiết của việc áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vốn nhằm giữ ổn định an ninh tài chính quốc gia.

Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã bày tỏ những lo ngại liên quan đến việc quản lý và sử dụng nợ công. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đến cuối năm 2011 nợ công Việt Nam sẽ ở mức 54,6% GDP, là mức rất cao và cần có những cảnh báo. Bởi nhìn sang các nước khu vực, nợ công của Thái Lan là 44%, Indonesia 39,7%, Philippines 47,3%. Những số liệu này cho thấy, mặc dù Chính phủ đã có chiến lược sử dụng nợ công an toàn, hiệu quả thì việc quản lý chặt chẽ nợ công vẫn là một thách thức lớn của nước ta trong những năm tiếp theo.

Không nên quá lo lắng

Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, tỷ lệ nợ công năm 2011 khoảng 54,6% GDP và năm 2012 ước khoảng 58,4%. Những số liệu này được tính trên kịch bản tăng trưởng GDP là 6% và với kịch bản tăng trưởng 6,5%, tỷ lệ này thấp hơn đáng kể. Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, cơ cấu nợ công của nước ta hiện gồm: nợ ODA chiếm 75%, vay nợ khác 19% và vay thương mại chỉ chiếm 7%. Trong đó, các khoản nợ WB có thời hạn vay 40 năm, ân hạn 10 năm và lãi suất 0,75%. Các khoản từ ADB có thời hạn 50 năm, ân hạn 10 năm và lãi suất là 1%. Các khoản vay của Nhật Bản có thời hạn 30 năm, ân hạn 10 năm, lãi suất tương đối đến 2%.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định, tuyệt đại bộ phận nguồn vốn ODA được đầu tư cho cơ sở hạ tầng như các công trình quốc lộ phía Bắc, đường Xuyên Á - TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, hàng loạt cầu ở TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long… Những dự án này đã góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7,2% trong 5 năm qua, mức tăng trưởng cao hơn nhiều nước trong khu vực. Đây là điều cần lưu ý khi so sánh nợ công của Việt Nam với nợ công của các nước khác, nhất là đối với các nước có nguồn vay thương mại với lãi suất cao chiếm phần lớn trong cơ cấu nợ. Vấn đề quan trọng hiện nay không phải là vay bao nhiêu mà phải là cách trả nợ như thế nào. Hiện nay, kinh phí dành cho trả nợ của nước ta chiếm khoảng 14-16% tổng chi ngân sách. Cùng với việc tăng cường hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay, tái cơ cấu nền kinh tế, nếu các chỉ số vĩ mô như GDP, dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá, việc quản lý nợ sẽ được tiến hành tốt hơn trong thời gian tới.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng Luật Quản lý nợ công và hoàn thành Chiến lược quản lý và phát triển nợ công đến năm 2020 trình Chính phủ, các cơ quan có liên quan để xem xét và thông qua. Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý về quản lý nợ công, Bộ Tài chính đang xây dựng các kế hoạch trung hạn và các đề án hành động cụ thể để thực hiện chiến lược này một khi được phê duyệt. Trước tình hình các khoản vay ODA và ưu đãi đang giảm dần, vay thương mại có xu hướng tăng lên... Chính phủ đã tính toán lại cơ cấu nợ công, xây dựng chiến lược, kế hoạch quản lý nợ công thích hợp cho từng giai đoạn. Vì vậy, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, không lạc quan nhưng chúng ta cũng không nên quá lo lắng về nợ công.

Chính phủ đã thực thi nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các khoản vay nợ nước ngoài, song theo các chuyên gia kinh tế, việc giám sát chặt chẽ các khoản nợ luôn là vấn đề quan trọng. Việc làm này sẽ giúp ngăn chặn kịp thời những khoản nợ xấu đồng thời giữ ổn định an ninh tài chính.

Hương Ly