Tình trạng khẩn cấp
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:25, 12/11/2011
1. Theo thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ngày 10-11, mỗi năm nước ta có khoảng 12.000 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT), trung bình mỗi ngày hơn 30 người.
Tính toán trên cơ sở các số liệu liên quan từ cơ quan chức năng thì con số này chiếm gần một nửa số người chết vì tai nạn thương tích ở Việt Nam, tổn thất vật chất hằng năm khoảng 19 nghìn tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). So sánh với tổng thu ngân sách cả nước 10 tháng của năm 2011 (khoảng 558.510 tỷ đồng) thì thiệt hại này tương đương mức hơn 3%. Và nếu so với tổn thất toàn cầu do TNGT đường bộ thì con số gần 1 tỷ USD mỗi năm của Việt Nam là quá nghiêm trọng, bằng hơn một nửa giá trị tiền thuốc chữa bệnh sử dụng cho toàn bộ dân số Việt Nam (khoảng hơn 1,9 tỷ USD).
2. Ngày 7-11, trên quốc lộ 1A thuộc tỉnh Bình Thuận xảy ra vụ TNGT thảm khốc làm hàng chục người chết, hơn 20 người bị thương. Vụ việc đã gây nỗi kinh hoàng trong dư luận. Nhưng tiếc là nó cũng chỉ là một trong nhiều vụ TNGT thảm khốc vẫn thường xảy ra. Trước đó, một "kỷ lục" về số lượng nạn nhân bị TNGT được ghi nhận là chỉ trong hai ngày 26 và 27-2-2011 tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận 224 nạn nhân.
3. Ngày 11-5-2011, hưởng ứng cùng thế giới, Việt Nam đã chính thức phát động "Thập kỷ hành động vì An toàn giao thông đường bộ" (2011-2020). Tại lễ phát động này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Chưa tính các thiệt hại và tác động kinh tế, chỉ riêng số người chết và bị thương vì TNGT hằng năm là một tổn thất và đau thương. Điều này càng được khẳng định khi TNGT đường bộ đã trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 29. Ngoài ra, 90% số người tử vong do TNGT đường bộ xảy ra ở những khu vực có thu nhập thấp. Một nửa số người tử vong do TNGT là người đi bộ, đi xe đạp và xe gắn máy. Chưa kể gấp đôi số đó là người bị thương, đang trở thành một gánh nặng với xã hội.
4. Nhưng sau tất cả các thông tin nói trên, điều gì đang xảy ra? Liên tiếp trong vài tháng gần đây, hàng loạt vụ TNGT nghiêm trọng đã gây sốc trong dư luận và diễn biến thực tế càng khẳng định thêm rằng: TNGT là nguyên nhân hàng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong. Và số người chết do TNGT mỗi năm ở Việt Nam bằng số người chết của hàng trăm cơn bão và không kém số người thiệt mạng do chiến tranh kéo dài đang diễn ra ở một số quốc gia trên thế giới. Quả thật là những con số kinh hoàng.
5. Nếu nói TNGT là thảm họa quốc gia có lẽ cũng chẳng quá lời. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay chính là đột phá nào để giảm thảm họa TNGT? Nhiều biện pháp, nhiều chiến dịch đã được tiến hành nhưng dường như chưa bao giờ xứng tầm. Có lẽ đã đến lúc cần coi TNGT là "tình trạng khẩn cấp". Chỉ khi chúng ta mạnh dạn đưa ra mục tiêu kiềm chế và đẩy lùi TNGT bằng những giải pháp cụ thể và thật sự mạnh mới đủ "công lực" điều trị. Đã đến lúc cần gắn trách nhiệm với mục tiêu này đến từng công bộc của dân, chứ không chỉ là với người trực tiếp gây tai nạn. Một khi việc phòng, chống TNGT vẫn theo kiểu phong trào, một khi việc xử lý các vụ TNGT vẫn chỉ là quy trách nhiệm cho người điều khiển phương tiện, còn những người quản lý vô can thì sẽ còn phải chứng kiến những tai nạn thảm khốc.