Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân
Đời sống - Ngày đăng : 05:24, 12/11/2011
Ông Nguyễn Hữu Cố, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Ô Chợ Dừa: Hàng ngàn người dân mong được sống trong môi trường không ô nhiễm
Ai cũng hiểu vệ sinh môi trường có tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe về lâu về dài của mỗi con người. Vì thế, sống trong vùng bị ô nhiễm do nước thải của Bệnh viện Đa khoa Đống Đa không được xử lý thực sự là nỗi lo thường trực đối với bà con hàng chục tổ dân phố lân cận. Vấn đề môi trường luôn được bàn luận sôi nổi tại tất cả các cuộc họp dân ở cơ sở, song chưa bao giờ vấn đề này trở nên nóng bỏng như thời gian gần đây, khi mà chủ trương xây dựng hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa Đống Đa bị một số người cản trở. Hàng ngàn người dân mong mỏi được sống trong môi trường trong lành không còn ô nhiễm, đây là lợi ích thiết thân với nhân dân, được nhân dân đồng thuận và TP đã quyết, vậy mà họ còn cố tình gây khó khăn…
Bà Chu Thị Bích Nga, tổ 30, phường Ô Chợ Dừa: Cần sớm triển khai xây dựng trạm xử lý nước thải
Tôi và người dân ở các tổ dân phố xung quanh Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã kiến nghị rất nhiều về tình trạng nước thải ô nhiễm tại các kỳ họp HĐND, các cuộc tiếp xúc cử tri mà chưa được giải quyết. Thực tế, tình hình ngập lụt, ô nhiễm do nước thải gây ra với các tổ dân phố, nhất là nước thải từ bệnh viện không những cản trở việc đi lại, gây khó khăn trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của nhân dân, mà còn khiến chúng tôi vô cùng lo lắng nguy cơ bị lây lan dịch bệnh. Và điều chúng tôi lo ngại bức xúc nhất là nguồn nước thải bệnh viện không được xử lý, mang theo mùi hôi, mầm bệnh. Vì vậy, chúng tôi tha thiết mong mỏi Đảng, Nhà nước quan tâm, để nhân dân được sống trong môi trường trong sạch, cần sớm triển khai xây dựng Trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Làm như vậy chính là đáp ứng nguyện vọng chính đáng của bà con.
Bà Hoàng Thị Tơ, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Ô Chợ Dừa: Nhà thờ cũng được hưởng thụ môi trường tốt hơn
Gia đình nhà tôi vốn là người công giáo ở huyện Đan Phượng. Tôi chỉ có suy nghĩ đơn giản thế này, dù là người công giáo hay không cũng đều là công dân của nước Việt Nam, cần phải tôn trọng pháp luật và lẽ phải. Cái gì chính đáng thì phải ủng hộ. Không chỉ tôi mà rất nhiều hội viên Hội Phụ nữ của phường Ô Chợ Dừa bức xúc và phản đối những hành động cản trở xây dựng Trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Chưa kể, bản thân nhiều giáo dân và các linh mục Nhà thờ Thái Hà cũng được hưởng thụ môi trường sống tốt hơn nhờ dự án này. Chúng tôi mong muốn, những linh mục, giáo dân tôn trọng lẽ phải, không nên đi ngược lợi ích cộng đồng.
Anh Đỗ Lại Thanh Tuấn, Phó Bí thư Đoàn thanh niên phường Ô Chợ Dừa:Một dự án có lợi cho người dân
Nhiều ngày nay, thanh niên chúng tôi thường xuyên bàn luận về việc có những người cố tình ngăn cản xây dựng Trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Nói chung ai cũng bất bình trước hành vi này. Chúng tôi nghĩ, một dự án có lợi cho người dân như thế thì không chỉ phải làm mà phải làm thật khẩn trương, chứ sao lại đi phản đối, gây trở ngại cho việc triển khai dự án. Làm như thế chẳng khác nào đang cố tình đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng, không ai có thể chấp nhận được.
Bà Vương Thị Ngọc, Tổ dân phố số 103, phường Ô Chợ Dừa:Phải tuân thủ pháp luật
Không chỉ riêng tôi, hầu như nhân dân khu vực xung quanh Bệnh viện Đa khoa Đống Đa hay những người tôi tiếp xúc hằng ngày đều mong muốn Trạm xử lý nước thải được khởi công xây dựng và sớm đưa vào sử dụng. Tôi cho rằng, mọi người dân dù ở cương vị nào cũng phải hiểu rõ vấn đề, hiểu đúng pháp luật, có tình có lý như việc xây dựng Trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa Đống Đa thì TP phải làm cho bằng được. Chúng ta sống trên đất nước Việt Nam này thì phải tuân thủ pháp luật và sự quản lý của Nhà nước Việt Nam. Ai cố tình vi phạm thì đều phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Tiến sĩ Lê Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa:Môi trường bệnh viện đang bị ô nhiễm
Bệnh viện Đa khoa Đống Đa là nơi tiếp nhận, điều trị nhiều bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố nên nguy cơ lây nhiễm cao, vì vậy rất cần có hệ thống xử lý chất thải đúng quy trình, bảo đảm xử lý triệt để mầm bệnh. Từ năm 2009, dự án xây dựng Trạm xử lý nước thải của bệnh viện đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt và theo kế hoạch khởi công vào tháng 11-2010. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa triển khai được do gặp phải sự cản trở từ phía các linh mục Nhà thờ Thái Hà. Việc làm này đi ngược lại lợi ích của người dân sống xung quanh khu vực bệnh viện cũng như bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cán bộ y tế. Bởi môi trường của bệnh viện bị ô nhiễm hiện đang ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân. Mỗi khi trời mưa ngập, nước thải chưa được xử lý tràn khắp nơi mang theo nhiều mầm bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, chúng tôi rất lo lắng.
Bác sĩ Phạm Bá Hiền, Trưởng khoa Truyền nhiễm:Giáo dân cũng phải hứng chịu nguy cơ bệnh tật
Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đống Đa có quy mô 50 giường bệnh, tập trung nhiều bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ lây lan. Vì thế, đây là nơi ẩn chứa nhiều mầm bệnh, có thể phát tán ra môi trường qua đường không khí, chất thải, nước thải. Việc ngăn chặn mầm bệnh phát tán qua môi trường là yêu cầu vô cùng cấp thiết. Không chỉ người dân xung quanh chịu ảnh hưởng, mà mầm bệnh có thể còn phát tán rộng ảnh hưởng đến người dân khu vực khác. Mặc dù bệnh viện đã rất chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường, nhưng do cơ sở vật chất xuống cấp, hệ thống nước thải chưa được xử lý nên cả cán bộ y tế cũng dễ mắc bệnh mỗi khi có dịch bùng phát, tình trạng bệnh nhân bị lây nhiễm chéo cũng dễ xảy ra. Ngay các linh vục Nhà thờ Thái Hà khi trao đổi với cán bộ bệnh viện cũng cho rằng bệnh viện là ổ bệnh truyền nhiễm. Nếu dự án xây dựng trạm xử lý nước thải chậm tiến độ sẽ gây thiệt thòi cho chính giáo dân khi đến lễ nhà thờ, vì họ cũng sẽ phải hứng chịu nguy cơ bệnh tật từ môi trường không an toàn.