Mô hình CLB Phòng, chống bạo lực gia đình: Đã “sinh” phải “dưỡng”

Xã hội - Ngày đăng : 07:08, 11/11/2011

(HNM) - Ý kiến của các đại biểu dự hội nghị

Ba năm "đẻ mắn" 7.960 câu lạc bộ

Theo thống kê của Bộ VH,TT&DL, sau 3 năm triển khai mô hình PCBLGĐ, tình hình BLGĐ đã giảm đáng kể. Nếu năm 2008, tại 64 xã triển khai mô hình xảy ra 1.071 vụ BLGĐ thì đến năm 2010 con số này chỉ còn 238, giảm 77,8% và không có vụ việc nghiêm trọng nào xảy ra. Hiệu quả thiết thực đó là lý do để mô hình được nhân rộng ở 63 tỉnh, thành phố với 7.960 câu lạc bộ (CLB), thu hút 175.000 hộ gia đình tham gia. Bên cạnh đó, Bộ VH,TT&DL còn đẩy mạnh hoạt động của các nhóm PCBLGĐ để tư vấn, hòa giải và can thiệp kịp thời các vụ BLGĐ.

Tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình tại Trung tâm Tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang). Ảnh: Huyền Linh


Có thể kể ra một số CLB điển hình như ở xã Kỳ Sơn, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) hay Phú Minh (Phú Xuyên, Hà Nội). Ông Đoàn Xuân Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn cho biết: Trước khi CLB PCBLGĐ của xã được thành lập, mỗi năm ở Kỳ Sơn có 4-5 cặp vợ chồng đòi ly hôn, đánh, cãi chửi nhau. Từ khi có CLB, Kỳ Sơn không còn cặp vợ chồng nào đòi ly hôn nữa và BLGĐ đã giảm hẳn. CLB  PCBLGĐ thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên đi vào hoạt động từ cuối năm 2008 cũng đã góp phần hòa giải thành công hàng chục vụ BLGĐ. Đáng nói là số vụ có nguyên nhân do nam giới uống rượu say, đi đánh bạc về đánh đập, hành hạ vợ con ở Phú Minh không còn nữa.

Không chỉ là những con số, hiệu quả của mô hình còn được thể hiện rõ trong từng gia đình. Anh Văn Công Hoành, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa (Gia Lai) kể: "Tôi từng là người vũ phu, mỗi khi uống rượu say hoặc vợ con làm gì đó không vừa ý là tôi "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" khiến gia đình chẳng mấy khi được cơm lành, canh ngọt. Từ khi tham gia sinh hoạt trong CLB PCBLGĐ của phường, nhận được sự quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm của các thành viên, tôi bớt nhậu nhẹt, vợ tôi cũng ít cằn nhằn nên gia đình hạnh phúc hơn".

Một vài ví dụ trên cho thấy, mô hình PCBLGĐ đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần duy trì hạnh phúc cho gia đình, yên bình cho xã hội. Mặc dù vậy, BLGĐ vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Đơn cử từ năm 2008-2011, ở tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 2.745 vụ, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em. Kết quả của dự án PCBLGĐ do Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) triển khai tại Hòa Bình cũng cho thấy, 56,6% phụ nữ ít nhất một lần bị BLGĐ. Do đó, việc nhân rộng mô hình PCBLGĐ là đòi hỏi tất yếu khách quan.

Vì sao "khan hiếm" hội viên?

Nói về mô hình mang tính nhân văn này, ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình nhận xét: Hiệu quả hoạt động của mô hình đã được thực tế chứng minh, tuy nhiên người dân Việt Nam ta thường có quan niệm "đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại"… nên số người tham gia sinh hoạt trong các CLB chưa nhiều. Như ở thị trấn Phú Minh, lượng thành viên của 5 CLB, 5 nhóm PCBLGĐ hiện nay mới là 120 người, trong khi dân số của thị trấn là 5.000 người. Do ít hội viên nên 2 đến 3 tháng, các CLB mới tổ chức sinh hoạt một lần khiến những hành vi "bạo lực ngầm" như xâm hại tình dục, uy hiếp tinh thần… ít được phát hiện. Hay như CLB xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), là nơi được Bộ VH,TT&DL chọn triển khai thí điểm mô hình PCBLGĐ hiện có tới 5 CLB đang hoạt động nhưng mới chỉ có hơn 100 hội viên.

Nguyên nhân của tình trạng "khan hiếm" hội viên được Phó BCĐ CLB PCBLGĐ xã Vinh Quang Nguyễn Văn Hoan lý giải: Khi mới đi vào hoạt động, CLB được Bộ VH,TT&DL hỗ trợ 13 triệu đồng; TP Hải Phòng hỗ trợ mỗi hội viên 5.000 đồng/buổi tham gia sinh hoạt và cung cấp sách, tài liệu liên quan đến vấn đề gia đình và PCBLGĐ. Từ năm  2010 đến nay, mọi nguồn hỗ trợ không còn nên CLB không có kinh phí duy trì hoạt động. Còn theo ông Nguyễn Cát Khoa, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Phú Xuyên thì, việc nhân rộng các CLB PCBLGĐ không dễ bởi nó được khuyến khích sinh ra nhưng lại chưa được quan tâm nuôi dưỡng.

Ngoài kinh phí, tỷ lệ hội viên các CLB là nữ nhiều hơn nam cũng là nguyên nhân khiến tình trạng BLGĐ vẫn diễn ra khá phổ biến bởi BLGĐ thường xuất phát từ nam giới. Khắc phục hạn chế này, CSAGA mạnh dạn triển khai thí điểm mô hình nhóm "Nam thiếu niên tham gia phòng, chống bạo lực gia đình" tại Trường THPT Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội); thành lập CLB "Người đàn ông đích thực" ở huyện Tân Lạc (Hòa Bình) và vận động đông đảo các ông chồng từ 25 đến 45 tuổi tham gia. Theo chị Nguyễn Vân Anh, người sáng lập CSAGA thì bản chất của nam giới là yêu thương, chia sẻ và luôn hướng tới những điều tốt đẹp, cho nên họ chính là hạt nhân tích cực trong PCBLGĐ.

Sự ra đời của các CLB PCBLGĐ bước đầu tác động tích cực tới nhận thức của người dân và việc nhân rộng mô hình CLB là hướng đi đúng. Song từ những vấn đề bất cập đang tồn tại ở những CLB đã và đang hoạt động, việc cần làm trước khi tìm cách nhân rộng là có giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động.

Minh Ngọc