Phá đường dây vượt biên bằng ghe đánh cá

Pháp luật - Ngày đăng : 16:12, 10/11/2011

Theo Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cầm đầu đường dây này là Nguyễn Đình Chiến (47 tuổi, khối 2, Nghi Tân, Nghệ An)


Chiều 9/11, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đang tiếp tục điều tra làm rõ đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép của Nguyễn Đình Chiến (47 tuổi, khối 2, Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) cùng đồng bọn thực hiện. Hiện công an đã bắt được 3 đối tượng gồm: Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Văn Sơn (cùng trú tại Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) và Nguyễn Văn Toán (trú tại ấp Lò Vôi, xã Phước Hưng, huyện Long Điền).

Chiếc tàu cá của Nguyễn Đình Chiến dùng để đưa người vượt biên trái phép


3 đối tượng này bị bắt về tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Chiến cùng đồng phạm đã 3 lần đưa hơn 120 người sang Australia trái phép. Cả 3 lần này đều bị cơ quan chức năng Australia bắt giữ, hủy ghe và trục xuất về Việt Nam.

Theo tài liệu của cơ quan công an, Chiến có nhiều người thân ở nước ngoài nên đã nhiều lần xuất cảnh sang Australia để thăm hỏi. Khi về Việt Nam, Chiến đã lừa những nạn nhân của mình sang Australia sẽ có việc làm lương cao, có cuộc sống ổn định và hứa sẽ đưa qua an toàn. Mỗi người đi đóng cho Chiến 100-150 triệu đồng, trả trước 50%, còn lại qua Australia sẽ trả hết.

Thu được tiền, Chiến mua ghe cá 500-700 triệu đồng/chiếc và dầu, nhu yếu phẩm. Sau khi móc nối đủ người đi, Chiến đưa nạn nhân vào Bà Rịa - Vũng Tàu, xuống cảng cá Lò Vôi và giong ghe sang Australia. Mỗi chuyến đi kéo dài 13-17 ngày.

Bị tiêu hủy ngay sau bắt giữ.


Thế nhưng ngay trong chuyến đầu tiên đưa 26 người sang Australia vào tháng 5/2010, ghe của Chiến đã bị bắt và đưa vào trại tạm giữ (trong đó có Chiến). Sau khi bị trục xuất về nước, Chiến cố tình tổ chức 2 chuyến khác vào tháng 2 và tháng 5/2011. Theo lời khai ban đầu của Chiến, mỗi chuyến đi sau khi trừ chi phí kiếm lời được hàng tỉ đồng. Sau khi bị trục xuất về, nhiều nạn nhân đã làm đơn tố cáo Chiến. Hiện mới chỉ có hơn 20 người là nạn nhân của Chiến về nước, số còn lại đang sống lây lất trong các trại tạm giữ chờ ngày trục xuất trở về nước.

Anh Đậu Văn Quảng (21 tuổi, ngụ khối 3, phường Nghi Tân, Cửa Lò, Nghệ An) cho biết, khoảng đầu tháng 5/2010, chiếc tàu cá không số hiệu chở 26 người “xuất cảnh” sang Australia cùng với Chiến và 2 tài công được Chiến thuê rời cảng cá Lò Vôi.

“Hầu hết mới đi biển lần đầu nên ai cũng say sóng, nằm li bì không ăn uống được gì. Mấy ngày sau quen sóng, thì tàu đến vùng biển Indonesia, gặp sóng rất to. Tàu cứ chồm lên chồm xuống như muốn gãy đôi, rất hãi. Có nhiều lúc bọn em nghĩ chắc sẽ chết chìm ở ngoài biển thôi. Trên đường đi, tàu mấy lần bị hư máy, sóng dập cho nghiêng ngả, may mà nó không bị chìm” - anh Quảng nhớ lại.

Sau khoảng nửa tháng lênh đênh trên biển, chiếc tàu cá này vào đến vùng biển Australia thì hết dầu. “Sau nửa ngày tàu trôi tự do, thì xuất hiện một máy bay quần đảo phía trên đầu. Bọn em thấy máy bay, biết là biên phòng Australia phát hiện, sẽ bắt giữ nhưng biết chắc là mình sẽ được cứu sống nên mừng lắm” - anh Quảng cho biết.

Theo VOV.VN