Thôn nghèo vui đón nghề mới
Xã hội - Ngày đăng : 06:53, 10/11/2011
Theo học lớp nhân cấy nghề mây giang đan cho người nghèo từ tháng 4-2011, chị Đinh Thị Phi đã nhanh chóng truyền nghề cho mẹ già cùng làm tại nhà tranh thủ lúc nhàn rỗi. Sáu tháng vừa học nghề vừa làm, chị đã thu được 3, 4 triệu đồng. Chị Phi chia sẻ, chồng mất, nhà chỉ còn một mình nuôi con, gánh vác việc gia đình. Ngoài làm ruộng, lên rừng nhặt củi, chị đã lấp đầy thời gian bằng việc đan hàng mỹ nghệ, mỗi tháng cũng được dăm bảy trăm nghìn đồng. Nghề mới, chưa quen nhưng cũng đã giúp gia đình chị xua bớt cái nghèo.
Đó là một trong nhiều câu chuyện mới của 118 hộ nông dân nghèo của thôn Đồng Chiêm mới được cầm tay chỉ việc đã bắt đầu quen mắt, quen tay làm nghề mây giang đan tại nhà. Với đặc thù là vùng bán sơn địa, lại là "rốn" lũ, Đồng Chiêm có diện tích tự nhiên rộng mà đất canh tác ít (có 220 mẫu), 2/3 số đó chỉ cấy được một vụ, năng suất thấp, núi toàn đá vôi nhỏ và dốc nên không trồng được cây. Vì thế cái nghèo cứ đeo đẳng bám riết nhiều năm. Toàn thôn hiện có 432 hộ gia đình thì có tới 190 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm tỷ lệ 43,98%. Xã An Phú thuộc diện xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ theo Chương trình 135 của Chính phủ, đầu tư của thành phố Hà Nội cho An Phú đã tập trung vào giải quyết những khó khăn trong sản xuất, giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Thôn Đồng Chiêm đã được xây dựng trường tiểu học khang trang, trường trung học cơ sở đang được xây dựng tạo điều kiện cho con em của xã học tập tốt hơn; đường điện, công trình nước sạch, nhà văn hóa thôn đang phục vụ sinh hoạt của người dân; con đường trung tâm của xã tới thôn không còn là những lối mòn, đường sống trâu như những năm trước, thay vào đó là đường bê tông rộng 5-10m dọc theo trục chính của xã tới hệ thống đường liên thôn dọc ngang như bàn cờ.
Từ đầu năm 2011, Phòng LĐ-TB&XH huyện Mỹ Đức đã mở lớp nhân cấy nghề mây giang đan cho người nghèo Đồng Chiêm. Mới được 7 tháng, các học viên tự nhân rộng về gia đình, đã làm đến mẫu thứ 3 đan giỏ mây do Công ty TNHH Mây giang đan Phú Tuấn bao tiêu từ nguyên liệu đến thu mua sản phẩm. Mỗi ngày, mỗi tháng trôi qua, bàn tay đan của các bà, các chị lại nhanh hơn, thạo hơn và kiếm được tiền nhiều hơn. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui có nghề, vẫn còn nỗi trăn trở của bà con là với công sản phẩm khá thấp, chỉ được 7.000-12.000 đồng/chiếc, mỗi ngày một người chỉ làm được 1-2 chiếc, về lâu dài nếu công ty không điều chỉnh tăng tiền công thì bà con rất khó gắn bó được với nghề.