Xin đừng mơ mộng !

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:36, 10/11/2011

(HNM) - Từ ngày 22 đến 29-11, tại Bali (Indonesia) sẽ diễn ra hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên Chính phủ về bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.


Điều đáng nói là tại hội nghị này, các đại biểu sẽ bỏ phiếu thông qua việc hát Xoan của Việt Nam và một số di sản của các quốc gia khác có thể lọt vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể thế giới hay không. Tin từ Paris (Pháp) cho thấy khả năng thành công của hát Xoan là rất lớn, bởi theo đánh giá của chuyên gia văn hóa phi vật thể UNESCO, di sản phi vật thể của Việt Nam hội đủ 5 tiêu chí bắt buộc để trở thành di sản thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp.

Như vậy, nội trong tháng này, Việt Nam có hai di sản lọt vào "chung kết" xác định danh hiệu ở tầm thế giới (ngoài hát Xoan như đã dẫn ở trên thì còn có Vịnh Hạ Long có thể nhận danh hiệu Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới).

Với hát Xoan, ta có thể chờ đợi gì từ danh hiệu mà di sản này có thể được nhận? Việt Nam cần làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả?

Hát Xoan là loại hình văn hóa phi vật thể độc đáo của Việt Nam. Với tỉnh Phú Thọ, hát Xoan được coi là "đặc sản", như Quan họ với vùng Bắc Ninh vậy. Những loại hình di sản độc đáo ấy, nếu biết cách phát huy giá trị trong mối liên hệ mật thiết với phát triển du lịch và khả năng quảng bá thì không những có thể giữ cho di sản trường tồn, mà còn có thể sinh lời. Việc hát Xoan lọt vào mắt UNESCO là cơ hội quảng bá di sản ở phạm vi toàn cầu. Ngành văn hóa có thể hưởng lợi từ điều này, bởi ngoài sự trợ giúp kỹ thuật từ UNESCO, sự quan tâm của Chính phủ và nhân dân đối với hát Xoan chắc chắn sẽ tăng lên nếu di sản nhận danh hiệu thế giới và thông qua đó là các chính sách đi kèm nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản theo cam kết quốc tế.

Tuy nhiên, cũng như những di sản phi vật thể giá trị khác của Việt Nam, như Ca trù, Quan họ, dù hát Xoan, đến phút cuối cùng có được công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể thế giới hay không thì mục tiêu cơ bản về bảo tồn vẫn không thay đổi. Với hát Xoan, vấn đề đặt ra là ngăn chặn mối nguy mai một, thất truyền vốn đã thành nhiệm vụ cấp bách. Cách nay gần hai năm, những số liệu thống kê cho thấy hát Xoan có ở thành phố Việt Trì và 17 xã thuộc các huyện Tam Nông, Phù Ninh, Đoan Hùng, Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ), huyện Sông Lô, Lập Thạch, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Toàn tỉnh Phú Thọ còn gần 70 nghệ nhân hát Xoan nhưng điều đáng nói là số ấy đa phần đã ở tuổi 60, trong đó gần một nửa ở độ tuổi từ 80 đến 104; số nghệ nhân còn khả năng trình diễn và truyền dạy còn ít hơn nữa. Trong số khoảng 30 di tích có hát Xoan thì 2 đã xuống cấp, 15 di tích hoàn toàn không còn là không gian diễn xướng hát Xoan nữa…

Thực tế cho thấy với di sản phi vật thể, danh hiệu thế giới là vinh dự, sự thừa nhận tạo cơ hội quảng bá và bảo tồn quý giá nhưng không phải là cây đũa thần đủ sức thay thế chất lượng công tác bảo tồn trong nước. Với hát Xoan, việc cần làm thường xuyên là động viên cộng đồng tham gia bảo tồn di sản, mở rộng môi trường diễn xướng và tạo cơ hội cho hát Xoan xuất hiện ngày một thường xuyên hơn thông qua những hoạt động liên kết văn hóa - du lịch, lễ hội, trình diễn…

Vấn đề đặt ra với hát Xoan cũng giống như những di sản văn hóa khác, là nếu không có chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản đúng đắn, không có được sự vào cuộc của cả chính quyền địa phương và cộng đồng thì ngay cả một di sản được thừa nhận ở cấp độ thế giới cũng có thể mất đi những giá trị cơ bản của nó, thậm chí là biến mất trên bản đồ di sản.

Nói cách khác, nhiệm vụ vẫn còn nguyên sự nặng nề, không thể chủ quan. Xin đừng ảo vọng!

Dục Tú