Hà Nội phấn đấu tăng trưởng trong bối cảnh không thuận

Kinh tế - Ngày đăng : 14:34, 09/11/2011

(HNMO) - Sáng 9/11, tập thể UBND thành phố Hà Nội đã họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo để thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển năm 2012.


Năm 2011, tăng trưởng của Hà Nội tăng cao hơn cả nước 1,67 lần

Tham luận tại hội nghị, ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: TP Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2011 trong bối cảnh có nhiều thách thức, khó khăn ngày càng lớn so với dự báo cuối năm 2010: giá lương thực, thực phẩm, giá dầu thô và nguyên vật liệu tăng cao; thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh; khủng hoảng nợ công ở nhiều nước; tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát cao diễn ra ở hầu hết các quốc gia… nền kinh tế trong nước bị tác động mạnh. Lạm phát và mặt bằng lãi suất tăng cao; giá vàng biến động thất thường, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải ngừng SXKD hoặc phá sản, tín dụng đen có diễn biến phức tạp, nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô trở thành thách thức lớn.

Trong bối cảnh trên, ngay từ đầu năm, Đảng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân Thủ đô đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, trọng tâm là phát triển KTXH, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý IV ước đạt 11,38%, cao hơn 3 quý đầu năm. Tính chung cả năm 2011, GRDP tăng 10,13%, trong đó dịch vụ tăng 10,8%, công nghiệp xây dựng tăng 10,17%, nông lâm thủy sản tăng 4,38%. Mặc dù mức tăng này thấp hơn mức của năm trước (11,04%) và chỉ tiêu kế hoạch (12%) nhưng vẫn cao hơn gấp 1,67 lần của cả nước.

Năm 2012 kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố đe đoạ sự ổn định và tăng trưởng toàn cầu. Kinh tế trong nước tiếp tục khó khăn. Chính phủ đưa ra mục tiêu ưu tiên vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Trong khi đó, TP Hà Nội đang còn nhiều yếu kém nội tại: hạ tầng đô thị và nông thôn thiếu hoặc chưa đồng bộ; sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các vùng, miền trên địa bàn. Bên cạnh thách thức, TP cũng có những cơ hội để phát triển như: Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH đến năm 2020, định hướng đến 2030; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được phê duyệt; Quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch phát triển ngành dự kiến được Chính phủ phê duyệt trong năm 2012 sẽ là cơ hội để TP triển khai các đề án, đồ án, dự án kêu gọi đầu tư, huy động các nguồn vốn xã hội vào phát triển kinh tế.

Theo đó, dự thảo báo cáo của Sở KHĐT đưa ra các chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2012 là: tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9-10% (dịch vụ tăng 9,5% - 10,6%; công nghiệp – xây dựng 9,3 -10,4%, nông nghiệp khoảng 2%); kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 15%, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 13,6% - 17,5%.




Năm 2012: đối mặt với nhiều thách thức lớn, ước tính nhiều chỉ tiêu khó đạt

Thảo luận tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, do mạng lưới cung cấp nước sạch hiện nay còn thiếu, nên ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho người dân. Về vấn đề thu gom rác thải trên địa bàn TP, những năm vừa qua cũng tổ chức chưa được tốt. Theo đó, để đạt chỉ tiêu trong năm 2012, lượng nước sạch tăng thêm 100.000m3/ngày đêm, 100% dân số đô thị được sử dụng nước sạch và việc thu gom chất thải sinh hoạt trong ngày ở các quận, thị xã là 98%... sẽ rất khó khăn vì phải tăng cường công tác đầu tư nhưng nguồn vốn hiện nay lại rất hạn chế. Trong thời gian tới, phải tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư mạng lưới cung cấp nước cũng như thực hiện các điểm tập kết rác.

Bên cạnh đó, ông Lê Hồng Thăng – Giám đốc Sở Công thương lại trăn trở, chỉ số giá tiêu dùng CPI của TP vừa qua đã giảm, nhưng đời sống của người dân vân khó khăn. Vì vậy cần sử dụng quỹ bình ổn giá hiệu quả hơn để giảm bớt khó khăn cho người dân. Trong năm 2012, nếu có những giải pháp tích cực, chỉ số công nghiệp Thủ đô có thể đạt được mức tăng trưởng 14%. Vừa qua, do nhiều yếu tố khó khăn đã có 26.000 doanh nghiệp phải ngừng sản xuất và giải thể, nhưng đây là những cơ sở sản xuất nhỏ. Các cơ sở sản xuất chủ lực vẫn duy trì nhịp độ phát triển. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ được lấp đầy bằng các dự án đầu tư đã được thẩm định trong năm 2011 (năm nay có 255 ha khu công nghiệp được lấp đầy). Về kinh doanh thương mại, TP có 4.000 ha đô thị hóa, đã phát triển các điểm kinh doanh thương mại dịch vụ ở đây; do đó chỉ tiêu thương mại vẫn có thể đảm bảo đạt được mức tăng 16% trong năm 2012. Tuy nhiên, ông Thăng kiến nghị, nên cắt giảm một số chi đầu tư chưa cấn thiết để tập trung chi phí cho xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm; tập trung các dự án có hàm lượng trí tuệ, khả năng lan toả, đẩy được nguồn vốn.

Riêng về vấn đề các cụm công nghiệp hiện tại, chỉ có 30% (12/41) có hệ thống xử lý nước thải; Hiện nay, TP đang xây dựng tiếp 45 cụm công nghiệp, cần đặt ngay vấn đề 100% cụm công nghiệp mới phải có xử lý nước thải, chứ không đặt ra chỉ tiêu 50% như trong đề xuất của Sở KHĐT; Đồng thời từng bước khắc phục ở các cụm công nghiệp cũ chưa có xử lý nước thải.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Thanh Vân- Giám đốc Sở NN-PTNT chia sẻ, các chỉ tiêu về nước sạch và vệ sinh môi trường là vấn đề rất khó thực hiện ở khu vực nông thôn. Hiện chỉ có 33-34% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, cả TP chỉ có 86 trạm bơm cấp nước hoạt động tốt, 11 trạm khác cấp nước rất kém. Sang năm 2012, phấn đấu 36% hộ dân khu vực nông thôn (tương đương với 160.00 người) được sử dụng nước sạch là vấn đề rất lớn, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bể lọc, khắc phục các trạm hoạt động yếu, xây dựng thêm 5-7 trạm bơm yếu. Ngoài ra trong vấn xây dựng nông thôn mới nếu đặt ra chỉ tiêu100% cụm nông thôn đạt tiêu chuẩn văn hóa sẽ khó đạt được vì chỉ cần một người tái nghiện là không đạt.

Ông Đào Thái Phúc – Giám đốc Kho bạc TP lại nhận định, hiện có 10% số doanh nghiệp không thể duy trì sản xuất, hoạt động; chúng ta cần quan tâm tới chỉ tiêu thất nghiệp. Theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, dự kiến trong năm tới tiếp tục chính sách tài khóa thắt chặt, hoạt động khó khăn; dẫn đến việc chi tiêu trang thiết bị cho trường học, y tế giảm, ảnh hưởng đến công tác an sinh, đời sống và việc làm của người lao động khó khăn.

Hơn nữa, ông Cục trưởng Cục Thống kê lại nhìn nhận về 13 chỉ tiêu TP chưa đạt được trong năm 2011. Sang năm 2012, tình hình kinh tế xã hội toàn cầu dự báo tiếp tục khó khăn, trong nước cũng sẽ rất khó khăn. Ông cho rằng có 3 thị trường lớn ảnh hưởng đến toàn ngành kinh tế là thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán. Trong khi đó, thị trường BĐS hiện nay cần tháo gỡ thế nào, nhiệm vụ của các ngành ra sao là vấn đề cần đặt ra? Hay như với vấn đề tín dụng, ngành ngân hàng cứ huy động 14%, cho vay 18-20% thì có ngành nào sản xuất được với lãi suất như vậy?

Chia sẻ với ông Cục trưởng Cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh HN phát biểu: nợ đọng trong lĩnh vực BĐS hiện nay không thể luân chuyển được vốn, đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ thuế không hiệu quả. Nợ xấu tăng lên, ngân hàng phải tăng dự phòng rủi ro, lợi nhuận giảm xuống. TP cần rà soát lại quy trình, nguyên tắc để tháo gỡ thị trường BĐS, ngăn chặn tình trạng chiếm dụng vốn. Bên cạnh đó, trong năm 2012, ngành ngân hàng phải cố gắng huy động vốn, tăng cường thanh tra quản lý, đặc biệt thực hiện tái cấu trúc tổ chức tín dụng theo hướng tăng cường hiệu quả hoạt động. TP hỗ trợ công tác tuyên truyền, tăng cường đầu tư cho nông nghiệp nông thôn với tỷ trọng vốn cho vay 10-15% tổng dư nợ, hiện tại mới đạt khoảng 5%. Hơn nữa, ở khâu cấp phép kinh doanh cho doanh nghiệp, các ngành chức năng cần xem xét vốn, năng lực với ngành nghề kinh doanh; vì hiện nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng, trá hình để huy động vốn, dẫn đến tình trạng tín dụng đen.

Hà Nội sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD, phát triển

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo phê bình nghiêm khắc một số sở, ngành chưa có báo cáo vì đó là việc buông lỏng kỷ cương hành chính. Bên cạnh đó, Chủ tịch hoan nghênh Sở KHĐT đã xây dựng báo cáo tình hình KTXH năm 2011 và kế hoạch phát triển năm 2012 khá khái quát, đầy đủ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phân tích rõ ràng… Dự tính tăng trưởng trong năm 2012 của Hà Nội ở mức 10,13% là một sự cố gắng lớn; tuy nhiên, Chủ tịch cho rằng cần xem xét kỹ lại mức tăng trưởng này trong năm 2012 có phấn đấu hơn được năm 2011 không hay ít nhất bằng năm 2011, làm rõ các giải pháp.

Về việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, Chủ tịch cho rằng cần tiếp tục kiểm soát thị trường, bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, Về nguy cơ giá cả tăng cao trước Tết, các ngành cần tính toán các giải pháp để bình ổn.

Hơn nữa, cần phân tích rõ những tồn tại, yếu kém trong vấn đề quản lý điều hành của các ngành, các cấp. Năm 2012, phải thấy rõ những khó khăn, thuận lợi và dự báo, phương hướng trong báo cáo phải đầy đủ hơn. Về chỉ tiêu cụ thể cần tính toán cho kỹ chỉ tiêu tăng trưởng. TP cố gắng thực hiện 8 nhiệm vụ, giải pháp theo thứ tự ưu tiên như: tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; kiên trì thực hiện Nghị quyết 11 kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Cuối cùng, Chủ tịch yêu cầu tất cả các sở, ngành hiện còn thiếu báo cáo phải gửi tiếp, Sở KHĐT tổng hợp, báo cáo lại; trong tuần tới đưa thường vụ Thành ủy duyệt, trước khi trình Hội đồng nhân dân TP thông qua.

13 chỉ tiêu TP Hà Nội không đạt kế hoạch trong năm 2011: Tổng sản phẩm trên địa bàn; Tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội; Mức giảm tỷ suất sinh so với năm trước; Mức giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước; Tỷ lệ tổ dân phố đạt tiêu chuẩn và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa; Tỷ lệ đơn vị đạt tiêu chuẩn và giữ vững danh hiệu là đơn vị văn hóa; Tổng lượng khách du lịch; Diện tích sàn xây dựng nhà ở hoàn thành; Lượng nước sạch tăng thêm; Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch; Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom trong ngày tại khu vực ngoại thành; Tỷ lệ khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; Tỷ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

Lan Hương