Mưa lớn gây hậu quả nghiêm trọng
Xã hội - Ngày đăng : 06:40, 09/11/2011
(HNM) - Chiều qua 8-11, Ban Chỉ đạo PCLB trung ương cho biết, lượng mưa trong những ngày qua tại miền Trung phổ biến từ 100-300mm. Mưa lũ đã làm 15 người chết và mất tích, riêng tỉnh Quảng Nam là 10 người.
Hiện nhiều tuyến giao thông, đặc biệt là đường lên các huyện miền núi ở tỉnh Quảng Nam vẫn còn ách tắc. Tuyến tỉnh lộ 616 từ huyện Bắc Trà My lên Nam Trà My bị sạt lở nhiều điểm, vẫn chưa thể khắc phục. Hệ thống thông tin liên lạc lên 5 xã vùng cao Trà Bui, Trà Giác, Trà Đốc, Trà Ka và Trà Giáp (Bắc Trà My) bị gián đoạn từ nhiều ngày qua vẫn chưa thể khắc phục. Tỉnh Quảng Nam đã di dời hơn 2.000 hộ dân tại các huyện Nông Sơn và Đại Lộc đến nơi an toàn.
Nhiều khu vực ở TP Huế bị ngập sâu. Ảnh: Văn Đông |
Tại Thừa Thiên Huế có hơn 4.000 ngôi nhà bị ngập; hơn 130ha hoa màu, thủy sản bị ngập, hư hỏng... Tỉnh đã tạm di dời ít nhất 30.000 hộ dân ra khỏi vùng xung yếu, sạt lở sông và biển. Trong ngày 8-11, tất cả các tuyến quốc lộ 1A, đường tránh trung tâm TP Huế, quốc lộ 49A, B và C đều bị ngập, có đoạn sâu đến hơn 1m, có nơi tắc nghẽn cục bộ do sạt lở. Tại TP Đà Nẵng, ngày 8-11, mực nước lũ ở các vùng ngoại ô vẫn cao, nhiều khu dân cư bị ngập rất nặng, người dân đi sơ tán chưa thể về nhà. Tại huyện Hòa Vang, các xã Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Nhơn, Hòa Phước… vẫn còn chìm trong nước.
Ở các khu phố phường Hòa An, Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) nước lũ vẫn còn ngập nhà dân đến nửa người.
Theo cơ quan KTTV trung ương, vùng áp thấp khi di chuyển gần đất liền đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, lũ trên các sông vẫn duy trì ở mức cao. Trước tình hình này, Ban Chỉ đạo PCLB trung ương đã có công điện khẩn gửi các tỉnh ven biển từ Nghệ An đến Khánh Hòa, yêu cầu chủ động ứng phó với ATNĐ trên biển và mưa lũ lớn trên đất liền. Các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn; theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa và vận hành theo quy trình, bảo đảm an toàn công trình và hạ du; chuẩn bị nhu yếu phẩm như lương thực, nước uống, thuốc men... sẵn sàng đối phó với tình huống bị lũ chia cắt, kéo dài. Bộ Y tế đã có công điện yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân. Các cơ sở y tế tổ chức ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do ảnh hưởng của mưa bão, sạt lở đất và lốc xoáy gây ra.
Các địa phương tại khu vực ĐBSCL cũng đang triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng chống triều cường trong tháng 11-2011. Các tỉnh ven biển, ven sông Tiền, sông Hậu đã huy động lực lượng kết hợp cùng phương tiện cơ giới khẩn trương gia cố, đắp lại các đoạn đê bao bị vỡ; tôn cao hệ thống đê bao, bờ vùng, bờ thửa ở những nơi xung yếu. Ban chỉ huy PCLB các địa phương đã xây dựng phương án đối phó cho từng vùng, từng nơi một cách cụ thể; thành lập, củng cố các đội thanh niên xung kích túc trực ngày đêm để kịp thời ứng phó mọi tình huống xấu có thể xảy ra.