Sẽ cung ứng tối đa phân đạm cho vụ Đông Xuân 2011-2012

Kinh tế - Ngày đăng : 15:28, 08/11/2011

(HNMO) – Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cho biết, Tổng công ty đang nỗ lực chuẩn bị đủ lượng hàng phân đạm để sẵn sàng cung ứng tối đa cho nhu cầu vụ Đông Xuân 2011-2012.


Tổng nhu cầu urea trên thị trường trong 02 tháng cuối năm dự kiến vào khoảng 410.000 tấn, trong đó tập trung chủ yếu ở thị trường chính là Tây Nam Bộ (300.000 tấn). Hiện tại ở khu vực này, vụ Hè Thu đã kết thúc. Tuy nhiên, do bị ngập lũ đặc biệt ở vùng tứ giác Long Xuyên nên vụ Đông Xuân sẽ đến muộn, nhu cầu phân bón hiện đang trong giai đoạn thấp điểm.

Lượng phân bón tồn lưu thông trên thị trường hiện ở mức cao, riêng phân đạm khoảng hơn 200 ngàn tấn, trong đó một nửa là Đạm Phú Mỹ. Dự kiến nguồn cung urea bao gồm cả lượng hàng tồn, sản xuất trong nước và nhập khẩu từ nay tới cuối năm sẽ vào khoảng 600.000 tấn, đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Về giá cả, theo các Bản tin thị trường trong nước, giá phân bón hiện tương đối ổn định, có xu hướng giảm nhẹ, giao dịch ở mức thấp.



Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu phân đạm trong nước, PVFCCo cho biết đang liên tục duy trì sản xuất ở mức cao nhất đồng thời dự phòng nguồn hàng nhập khẩu đảm bảo chất lượng, có giá tốt nhất để sẵn sàng bổ sung nguồn cung. Tổng công ty đã triển khai nhập khẩu khoảng 130.000 tấn urea trong 10 tháng đầu năm 2011 và dự kiến trong 02 tháng cuối năm sẽ tiến hành nhập khẩu thêm khoảng 50.000 tấn urea và phân bón các loại để bổ sung nguồn hàng cho thị trường.

Lượng Đạm Phú Mỹ do Tổng công ty sản xuất để dành phục vụ cho vụ Đông Xuân 2011-2012 là khoảng 150.000 tấn. Tổng cộng nguồn phân đạm của Tổng công ty cung ứng cho vụ Đông Xuân là khoảng gần 200.000 tấn. Phần lớn lượng hàng này đều đã và đang được Tổng công ty tích cực điều chuyển về các kho đầu mối và kho trung chuyển, đảm bảo sẵn sàng và kịp thời cung cấp hàng theo nhu cầu mùa vụ tại từng khu vực.

Về giá bán, PVFCCo công bố tiếp tục tăng cường kiểm soát niêm yết giá và thực hiện chính sách giá trần ổn định và sát giá thị trường, giám sát việc bán hàng thông qua hệ thống phân phối, ngăn chặn tối đa hiện tượng mua bán lòng vòng đẩy giá lên cao.

L.H