Tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức 6,5-7%/năm
Chính trị - Ngày đăng : 13:42, 08/11/2011
Trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015, Quốc hội xác định mục tiêu tổng quát là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh; Bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; Tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Trong 2-3 năm đầu, Kế hoạch tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý và tiến hành khởi động mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, 2-3 năm tiếp theo bảo đảm hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Nghị quyết của Quốc hội cũng đặt ra một số chỉ tiêu phát triển chủ yếu.
Về kinh tế: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5%-7%; Tỷ trọng đầu tư toàn xã hội 5 năm 2011-2015 khoảng 33,5%-35% GDP; Giảm dần nhập siêu từ năm 2012 và phấn đấu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015; Bội chi ngân sách nhà nước đạt dưới 4,5% vào năm 2015 (mức bội chi có cộng thêm trái phiếu Chính phủ); Giảm tiêu tốn năng lượng tính trên GDP từ 2,5%-3%/năm; Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 30% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; tỷ lệ đổi mới công nghệ đạt 13%/năm; Năng suất lao động xã hội đến năm 2015 tăng 29%-32% so với năm 2010; Tỷ lệ huy động thuế và phí vào ngân sách không quá 22%-23% GDP/năm; Nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 50% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP; Chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5%-7% vào năm 2015.
Về xã hội: Số lao động được tạo việc làm 8 triệu người; Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị đến năm 2015 dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt 55% vào năm 2015; Thu nhập thực tế của dân cư đến năm 2015 gấp 2-2,5 lần so với năm 2010; Giảm hộ nghèo nhanh và bền vững, tỷ lệ giảm bình quân 2%/năm và giảm bình quân 4%/năm đối với các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn; Diện tích nhà ở bình quân đến năm 2015 đạt mức 22 m2 sàn/người, trong đó: diện tích sàn nhà ở bình quân đô thị đạt mức 26 m2 sàn/người; Tốc độ phát triển dân số đến năm 2015 khoảng 1%; Đến năm 2015 đạt 8 bác sỹ và 23 giường bệnh (không tính giường trạm y tế xã) trên 1 vạn dân.
Về môi trường: Tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42%-43%; Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 85%.
Đáng chú ý, trong nhóm các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới, Quốc hội yêu cầu phải có đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đơn vị cơ sở, sản phẩm chủ yếu, với tầm nhìn dài hạn và có lộ trình cụ thể; tập trung thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong 3 lĩnh vực quan trọng là cơ cấu lại đầu tư; cơ cấu lại thị trường tài chính, cơ cấu lại doanh nghiệp, ngay từ năm 2012 tiến hành bước khởi động và chuẩn bị các điều kiện để từ năm 2013 tạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản; năm 2015 có hiệu quả rõ rệt.
Cụ thể, cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ, đặc biệt là thị trường vàng và ngoại tệ, khắc phục tình trạng đô la hóa; kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, vay trả nợ nước ngoài, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán và các nguồn vốn nóng khác.
Đồng thời, hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, năng lực quản trị doanh nghiệp, tính công khai, minh bạch, có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phát huy nội lực, tái cấu trúc, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tập trung phát triển doanh nghiệp nhà nước trong những ngành, lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế quốc dân, chủ yếu thuộc các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật liên quan đến kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, dịch vụ công, ổn định kinh tế vĩ mô. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Phân định rõ nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội với hoạt động kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Cơ cấu lại đầu tư công theo hướng sửa đổi quy chế phân cấp quản lý, trước hết là đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, phải bảo đảm nguyên tắc chỉ quyết định đầu tư đối với dự án đã đủ thủ tục theo quy định và khi đã xác định rõ nguồn, mức vốn và khả năng cân đối nguồn vốn từ trung ương đến địa phương. Khẩn trương xác định các tiêu chí và thứ tự ưu tiên làm căn cứ để phê duyệt hay từ chối hoặc cắt giảm đầu tư. Việc quyết định phê duyệt dự án có nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân sách Trung ương thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Chương trình mục tiêu, các khoản hỗ trợ có mục tiêu khác phải được kiểm soát chặt chẽ, có sự thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn của cấp có thẩm quyền ở Trung ương.
Song song với cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm, tập trung rà soát, điều chỉnh hợp lý các khu kinh tế, khu công nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu và liên kết kinh tế vùng. Phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ và các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng. Tăng đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới. Phát triển mạnh kinh tế rừng để vừa bảo vệ, vừa phát triển được rừng gắn với đổi mới quản lý các nông, lâm trường. Bảo đảm diện tích trồng lúa 3,8 triệu ha, đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù cho các địa phương và nông dân trồng lúa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia...