Loạn tên phố trong khu vực nội đô

Đời sống - Ngày đăng : 06:56, 08/11/2011

(HNM) - Viết thư gửi Báo Hànộimới, bạn đọc Trần Lộc (phố Núi Trúc, phường Kim Mã, Ba Đình) phản ánh: Tôi có việc phải qua phố Nguyễn Thiếp. Tấm biển đầu phố ghi Nguyễn Thiếp, thế mà lạ lùng nhiều biển hiệu trong phố cứ chăng tên Nguyễn Thiệp. Không lẽ người dân, cơ quan chức năng không biết?

Cùng một phố - chỗ ghi Nguyễn Thiếp, chỗ đề Nguyễn Thiệp.


Phố Nguyễn Thiếp nằm ngay dưới chân cầu Long Biên, dài hơn 250m, nối từ phố Hàng Đậu cắt ngang phố Gầm Cầu đến phố Hàng Khoai (quận Hoàn Kiếm). Theo cuốn Từ điển đường phố Hà Nội, Nguyễn Thiếp (1723 - 1804) còn có tên hiệu là La Sơn Phu Tử, người làng Nguyệt Áo, huyện La Sơn (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Dưới triều đại Tây Sơn, ông từng giữ chức Viện trưởng Viện Sùng Chính, chuyên biên dịch sách kinh, truyện chữ Hán ra chữ Nôm. Vua Quang Trung còn ủy quyền cho ông nghiên cứu kế hoạch xây dựng Kinh đô mới ở Nghệ An. Khi cơ nghiệp Tây Sơn sụp đổ, nhà Nguyễn mời ông ra làm quan nhưng ông từ chối. Hiện nay, "ăn" theo chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, phố Nguyễn Thiếp trở thành phố bán buôn các mặt hàng gia dụng như nồi, xoong, ấm nhôm, giá treo quần áo, bát đĩa, tủ nhựa, đồ sành sứ… Đúng như phản ánh của người dân, trên rất nhiều tấm bạt cuốn, biển, bảng hiệu của các cửa hàng kinh doanh tại đây đều ghi tên thành Nguyễn Thiệp, dù tại hai đầu phố cột biển ghi rõ tên phố là Nguyễn Thiếp.

Việc đặt tên đường, tên phố mang tên các bậc danh nhân, hiền tài, còn nhằm giúp người dân thuận tiện trong việc đi lại… Tuy nhiên, không chỉ có phố Nguyễn Thiếp bị "loạn" tên, mà nhiều tuyến phố khác trong nội đô cũng có tình trạng tương tự, như: phố Lý Văn Phức (quận Đống Đa) ghi là Lý Văn Phúc, thậm chí có nhà còn ghi Lý Vạn Phúc (?!); phố Tạ Hiền (quận Hoàn Kiếm) thì biển hiệu của nhiều gia đình lại ghi Tạ Hiện; phố mang tên tiến sĩ nông học Lương Định Của (Kim Liên, Đống Đa) ghi thành Lương Đình Của; ngõ Túc Mạc (đường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm) thành ngõ Tức Mạc… Thậm chí, có trường hợp "loạn" cả về chính tả như Trường Chinh thành Trường Trinh. Trên cùng tuyến phố, biển ghi đúng, sai tồn tại xen kẽ nhau lẫn lộn.

Thắc mắc việc tên phố một đằng, tên nhà đề một nẻo, nhiều người giải thích rằng, là do trước kia biển đề tên phố ghi như vậy nên dân gọi đã quen. Sau đó, khi chính quyền nhận ra ghi sai, thay biển khác, dẫn đến tình trạng loạn tên; nhà vẫn ghi tên cũ, nhà lại ghi theo biển mới. Có người cho rằng: tên cũ hay tên mới đều không ảnh hưởng gì, miễn sao mình hiểu, bạn hiểu, hình dung ra đường ấy, phố ấy mà tìm đến là được, không ảnh hưởng gì đến công việc làm ăn cả. Người thì giải thích, đã thuê làm biển bảng quảng cáo cách đây nhiều năm, giờ vẫn dùng tốt nên mặc dù biết là viết sai tên nhưng cũng không có ý định sửa lại, vì cũng có nhiều trường hợp sai giống mình (?!). Phần lớn các trường hợp được hỏi đều cho biết gọi tên cũ quen rồi, không mấy người tìm hiểu danh nhân phố mình được đặt tên là ai, sống ở triều đại nào, có công lao ra sao…

Viết đúng tên phố, tên các danh nhân đã được đặt cho tên phố cũng là một cách biểu hiện lòng thành kính đối với các danh nhân, các bậc tiền bối và công lao to lớn của họ đối với đất nước. Chẳng lẽ chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng không biết, hay cố tình không biết mà để tồn tại tình trạng trên?

Bài, ảnh Dạ Khánh