Thiếu quyết tâm, khó đạt hiệu quả
Đời sống - Ngày đăng : 06:38, 08/11/2011
Thành viên Tổ Đề án 30 thành phố Hà Nội rà soát thủ tục hành chính. Ảnh: Linh Tâm
Theo yêu cầu, ngày 30-6-2011 là thời hạn cuối cùng các bộ, ngành phải hoàn thành việc đơn giản hóa TTHC theo Nghị quyết 25 của Chính phủ, song đến nay các bộ, ngành mới đơn giản được hơn 68%. Điều đáng chú ý là ngay trong những thủ tục đã được đơn giản hóa rồi vẫn có một số chưa đạt yêu cầu. Thông tin từ Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) cho biết: Trong quá trình thực thi phương án đơn giản hóa TTHC, một số bộ, ngành chưa tuân thủ đúng phương án Chính phủ đã phê duyệt. Chẳng hạn, Bộ Y tế đã ban han hành Thông tư số 24/2011-BYT ngày 21-6-2011 về nhập khẩu thiết bị y tế, trong đó có quy định 3 TTHC thay thế cho một TTHC cũ. Tuy nhiên, 3 TTHC thay thế có một số điểm quy định mới về thành phần hồ sơ như: Yêu cầu bản gốc hoặc bản sao có chứng thực tại Việt Nam hoặc chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự tại cơ quan đại diện ngoại giao hoặc Đại sứ quán Việt Nam tại nước sản xuất; Giấy ủy quyền của hãng sản xuất hoặc nhà phân phối hợp pháp cho đơn vị nhập khẩu được phép nhập khẩu, phân phối sản phẩm trang thiết bị y tế tại Việt Nam hợp lệ và thời hạn còn hiệu lực… Qua kiểm tra ban đầu, các quy định mới này không được đánh giá tác động và không có báo cáo giải trình, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Điều đáng nói là hiện nay, đã có một số doanh nghiệp, hiệp hội phản ánh quy định mới này gây khó khăn trong việc nhập thiết bị y tế vào Việt Nam.
Một trong những khâu quan trọng của công tác kiểm soát TTHC là đánh giá tác động và lấy ý kiến cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC. Tuy nhiên, tại một số đơn vị, công tác này thực hiện chưa nghiêm. Cụ thể, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật; Bộ Tư pháp đã có công văn số 1856/BTP-PLHSHC ngày 9-4-2011 về việc thẩm định dự thảo nghị định này, nhưng đến ngày 22-8-2011, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) mới gửi Công văn số 512/LĐTBXH-BTXH cho Cục Kiểm soát TTHC để lấy ý kiến đối với TTHC quy định trong dự thảo quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật. Tương tự, đối với dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 147/2003/NĐ-CP ngày 2-12-2003 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục cấp phép và quản lý hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện thực hiện theo Nghị quyết số 48/NQ-CP về đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ LĐ,TB&XH. Trong nội dung dự thảo nghị định có quy định bổ sung mới về yêu cầu điều kiện, thành phần hồ sơ, nhưng chưa có đánh giá tác động quy định mới này theo Công văn số 7416/VPCP-KSTT của Văn phòng Chính phủ mặc dù dự thảo này đã được cho ý kiến thẩm định.
Quan trọng là quyết tâm
Trong việc bố trí nhân sự cho Phòng Kiểm soát TTHC, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo: "Biên chế tối thiểu của đơn vị kiểm soát TTHC là 5 cán bộ thuộc biên chế văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, văn phòng UBND cấp tỉnh" (Công văn số 1064/TTg-TCCV ngày 23-6-2010). Hiện các đơn vị đã thành lập Phòng Kiểm soát TTHC, tuy nhiên, việc bố trí biên chế vẫn chưa bảo đảm như chỉ đạo của Thủ tướng. Các bộ: Nội vụ, LĐ,TB&XH và Ngân hàng Phát triển Việt Nam mới bố trí được 2 biên chế; một số bộ, ngành khác mới bố trí được 3 biên chế: Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành chưa thực hiện tốt việc công khai, minh bạch TTHC, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Đánh giá về tình hình thực hiện công tác kiểm soát TTHC, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan cho rằng: "Điều quan trọng nhất để thực hiện hiệu quả công tác này vẫn là quyết tâm của lãnh đạo các đơn vị". Đây cũng là quan điểm chung của các thành viên của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC. Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, các đơn vị cần kiện toàn bộ máy và các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra xem quyết tâm đối với công tác cải cách hành chính của các đơn vị thế nào, ngay cả với các đơn vị đã từng bày tỏ quyết tâm, bởi thời gian qua đã có sự thay đổi nhiều về nhân sự lãnh đạo.