Nghịch lý làng nghề
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:33, 08/11/2011
Trong số làng nghề có tên trong danh sách của cả nước, Hà Nội chiếm gần một nửa. Làng nghề truyền thống (có nghề từ 50 năm trở lên, tỷ trọng sản phẩm nghề chiếm 50% thu nhập của làng). Đồng bằng sông Hồng, Hà Nội chiếm nhiều làng nghề nhất với 172 làng, tức khoảng 30% của cả vùng. Từ ngày đổi mới, được sự khuyến khích của Nhà nước và thành phố, nhiều làng nghề của Hà Nội đã được khôi phục và phát triển. Nhiều làng nghề truyền thống đã từng bước đổi mới công nghệ, mẫu mã mang về doanh thu từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Làng gốm sứ Bát Tràng doanh thu 285 tỷ đồng. Làng giấy La Phù thu 587 tỷ đồng. Làng gỗ Vạn Điểm, Phú Bằng ngót 200 tỷ đồng năm 2009. Cũng theo Sở Công thương Hà Nội, năm 2009, các làng nghề đã đạt doanh thu 7.000 tỷ đồng, chiếm 10% GDP của cả thành phố, tạo ra một triệu việc làm tại chỗ, giải quyết một phần rất quan trọng về việc làm hiện nay.
Tuy nhiên, một trở ngại lớn là môi trường ở các làng nghề, nói rộng hơn là môi trường ở nông thôn đang bị đe dọa. Sản xuất càng phát triển, môi trường ở các làng nghề càng xuống cấp nghiêm trọng. Qua khảo sát, 100% các mẫu nước ở các làng nghề đều không đủ tiêu chuẩn sử dụng trong sinh hoạt. Nước thải từ các làng nghề nhất là các làng nghề làm bún, bánh, giết mổ gia súc, buôn bán chế tác xương da động vật, làm giấy, buôn bán tái chế phế liệu… không qua xử lý thải thẳng ra môi trường nồng độ chất độc hại gấp nhiều lần mức cho phép. Một số làng nghề còn ô nhiễm bởi khói bụi, tiếng ồn. Chỉ tính các lò gạch thủ công hiện còn tồn tại trên địa bàn 19 huyện thị đã thải ra hàng nghìn tấn CO2 mỗi năm, giết chết nhiều cây cối, gây bệnh cho người. Theo Sở Y tế thành phố, tỷ lệ mắc các bệnh nan y, nhất là các bệnh về hô hấp, đường ruột tăng nhanh ở các làng nghề, có nơi chiếm xấp xỉ 30% dân cư. Nước thải, khói bụi, tiếng ồn từ các làng nghề còn gây ô nhiễm nhiều dòng sông và không gian sống của thành phố.
Thực trạng trên, không phải ít người biết nhưng khắc phục nó bằng cách nào là bài toán chưa có lời giải. Làng nghề chủ yếu được hình thành từ các hộ nông dân, sinh sống và sản xuất phân tán, xen kẽ trong các thôn xóm nên muốn có một công trình bảo vệ môi trường (chẳng hạn như xử lý nước thải, chất thải rắn…) rất tốn kém. Đòi hỏi ngay Nhà nước trích ngân sách hoặc người dân góp tiền xây dựng là không khả thi. Việc quy hoạch lại làng xóm hoặc tách cơ sở sản xuất khỏi dân cư cũng không thể thực hiện trong một sớm, một chiều. Bởi vậy, công tác vận động, giáo dục, nâng cao ý thứ của người dân về môi trường đi kèm với kỷ cương phép nước với những chế tài mạnh mẽ được xem là cấp bách và cơ bản nhất. Mạnh mẽ đến đâu phụ thuộc vào ý chí của Quốc hội nhưng qua việc phải điều chỉnh một số chế tài trong các bộ luật cho thấy, nếu các chế tài thưởng phạt không phù hợp, luật sẽ bị xem thường.
Phát triển làng nghề cũng nhằm ổn định kinh tế dân sinh, nâng cao đời sống người dân. Song rất cần xây dựng mô hình các làng nghề với công nghệ sản xuất "sạch" để bảo vệ môi trường sống của chính người dân. Nếu không giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm làng nghề thì nghịch lý hiệu quả kinh tế và hậu quả môi trường sẽ tiếp tục tồn tại.